CHƯƠNG 2
BỆNH VIỆN THÁI BÌNH TRONGCUỘCKHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 – 1954)
1. Bệnh viện Thái Bìnhtrong giai đoạn chuẩn bị kháng chiếnchống thực dân Pháp(8/1945 – 12/1949)
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Bên cạnh những khó khăn của cả nước, Thái Bình cũng đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức: 28 vạn người chết đói; 500 quân Tưởng kéo vào quấy phá; đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ, hầu hết các phủ huyện trong tỉnh bị lụt, lúa và hoa màu bị mất trắng, tài sản và tính mạng của nhân dân vùng đầu nguồn nước bị tổn thất nặng nề. Đến khi nước rút, trong tỉnh xuất hiện các dịch bệnh như: dịch tả, sốt rét, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với chính quyền cách mạng là diệt giặc dốt, diệt giặc đói, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, dập tắt được dịch bệnh. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban cách mạng lâm thời khắp các vùng nông thôn, các khu phố tập trung tổng vệ sinh, sửa sang đường ngõ, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm. Tỉnh thành lập Ban vệ sinh đi kiểm tra dọc đường 10 từ bến phà Tân Đệ đến cầu Nghìn. Sau khi tiếp nhận Nhà thương của chế độ cũ để lại, mọi công việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh tại thời điểm này đều do Nhà thương (đổi tên thành bệnh viện Thái Bình) đảm nhiệm vì tỉnh chưa thành lập Ty y tế. Một bộ phận cán bộ bệnh viện được điều đi phục vụ, dập dịch ở tuyến huyện, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, thực hiện nếp sống mới; vận động nhân dân ăn chín, uống sôi, không ăn quả xanh, uống nước lã...
Bệnh viện hoạt động trong điều kiện tài chính kiệt quệ, thuốc men thiếu thốn, thiếu cán bộ và nhân viên chuyên môn nhưng với tinh thần phấn khởi khi đất nước vừa giành được độc lập, cán bộ, nhân viên bệnh viện đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra đều đặn. Đối tượng khám chữa bệnh chủ yếu là các bệnh nhân ở khu vực thị xã, các xã ở vùng ven thị. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận những bệnh nhân nặng, những ca đẻ khó ở tuyến huyện chuyển lên.
*
* *
Ngày 06-1-1946, cử tri Thái Bình cùng với cử tri cả nước nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa I. Cuộc bầu cử Quốc hội giành thắng lợi, các cử tri trong tỉnh lại phấn khởi đi bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I (tháng 3-1946). Hội đồng nhân dân họp và bầu ra Ủy ban hành chính tỉnh. Sau khi ổn định về nhân sự, tháng 4-1946, Hội đồng nhân dân tỉnh họp phiên đầu tiên, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc đổi các đơn vị cũ: phủ, tổng, thành làng, xã; thống nhất các đơn vị hành chính mới. Theo đó, Ty y tế cùng với một số Ty, ngành trong tỉnh được thành lập.
Ty Y tế là một đơn vị có tài khoản, có con dấu riêng, ông Nguyễn Bá Tung được cử làm Trưởng Ty. Bệnh viện Thái Bình do ông Lê Văn Hợp làm Quản đốc. Sau khi nhận chức quản đốc bệnh viện được một thời gian ngắn, ông Lê Văn Hợp bị tai nạn giao thông, sức khỏe sút kém, không đảm đương được công việc. Uỷ ban hành chính tỉnh, Ty Y tế đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chỉnh thay ông Lê Văn Hợp làm Quản đốc bệnh viện.
Mặc dù tổ chức bộ máy chưa hoàn chỉnh nhưng bệnh viện đã từng bước chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Giữa năm 1946, bệnh viện đã cử 10 y tá tham gia ôn luyện và dự kỳ thi của Sở Y tế liên khu III tổ chức từ ngày 2-5 đến ngày 31-5-1946. Kết quả, 10 y tá đã trúng tuyển và được xếp cán sự bậc 6 và nhận quyết định công nhận của Sở y tế liên khu III do bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Sở ký. Trưởng Ty y tế Thái Bình đã ra quyết định tiếp nhận các y tá đã trúng tuyển về bệnh viện Thái Bình làm việc. Trong đó có bà Nguyễn Thị Lộc sau này là Bác sĩ, Phó trưởng ty Y tế Thái Bình, bà Phạm Thị Tỉnh, Nguyễn Thị Hiển, Vũ Thị Tín, Trần Thị Bảng, Đỗ Thị Hải và các ông: Trịnh Văn Ngọc, Vũ Văn Khoa, Lê Công Tiễn, Nguyễn Xuân Thưởng. Bệnh viện cũng được Sở Y tế Liên khu III tăng cường thêm bác sĩ Nguyễn Trọng Tuệ về làm việc tại bệnh viện.
Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã bội ước và đi ngược lại những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước ngày 04-9-1946. Những ngày cuối tháng 11-1946, chúng tập trung lực lượng tiến đánh Hải Phòng, Lạng Sơn và Hà Nội. Ngày 18-12-1946, chúng gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận một số điều kiện do chúng đưa ra. Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đêm ngày 19-12-1946, Hà Nội và khắp nơi trên cả nước đồng loạt nổ súng kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Tại Thái Bình, sau khi nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp khẩn cấp tại làng Hội Châu, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng) ra quyết định: “Chuyển hướng mọi hoạt động của cơ quan ngành giới trong tỉnh từ thời bình sang thời chiến”. Theo đó, các cơ quan đóng trên địa bàn Thị xã Thái Bình được chuyển về các vùng nông thôn để đảm bảo an toàn. Ngành Y tế phải tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu: Mua sắm, dự trữ thuốc men, bông băng; đào tạo cấp tốc nhân viên y tế cứu thương; sơ tán tài sản, trang thiết bị, dụng cụ y tế. Theo tinh thần đó, bệnh viện Thái Bình được sơ tán về Đình Cổ Hội, xã Thượng Phương Hội Phú, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng) vị trí nằm trên bờ sông Diêm Hộ, cách thị xã khoảng 15km.

Đình làng Cổ Hội, xã Thượng Phương Hội Phú, huyện Đông Quan, nơi bệnh viện sơ tán đầu tiên năm 1947, nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng
Các hoạt động chính của bệnh viện tỉnh được bố trí tất cả ở xã Thượng Phương Hội Phú. Cán bộ bệnh viện ở nhờ nhà dân, cơ sở phẫu thuật đặt ở Đình Cổ Hội.
Về tổ chức khám chữa bệnh, mặc dù ở nơi sơ tán nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, bệnh viện vẫn có phòng khám bệnh cho công chức và dân quân, bộ đội; phòng chữa bệnh nội thương, phòng chữa bệnh ngoại thương, phòng mổ, phòng tiểu phẫu, phòng đỡ đẻ, kho thuốc, phòng bào chế thuốc. Bệnh viện còn làm thêm một số nhà tre lợp lá trước cửa sân đình làm phòng đỡ đẻ, phòng phẫu thuật, bếp nấu ăn. Ở huyện Kiến Xương, một bộ phận cán bộ của bệnh viện được tăng cường cho phòng khám, nhà hộ sinh Kinh Nhuế (nay là xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương)`để phối hợp phục vụ đồng bào tản cư từ các nơi về.
Trong những năm sơ tán, bệnh viện đã thực hiện chương trình huấn luyện cứu thương cho các xã ngay tại đình Cổ Hội như: mở lớp cứu thương và chuẩn bị cho mỗi xã mua một túi thuốc cứu thương bao gồm các loại thuốc sát trùng như thuốc đỏ, thuốc tím, thuốc Iode, bông băng, các loại thuốc ngoài da như mỡ hắc lào, thuốc tra mắt, các loại thuốc kháng sinh như Dagenan, Sulphaguanidin Sulphamide, thuốc cảm Aspirine, thuốc đường ruột.
Năm 1947, hằng ngày, địch vẫn cho máy bay do thám các vùng trong tỉnh, bắn đại bác từ tàu ở sông Hồng lên các vùng ven sông. Đêm 14-7-1947, với sự dẫn đường của bọn Việt gian chỉ điểm, một đại đội biệt kích của Pháp từ Nam Định qua sông Hồng đến La Uyên dọc theo đường 10 đột nhập vào Thị xã để thăm dò lực lượng của ta sau đó đưa một số linh mục người nước ngoài và một số con lai sang Nam Định. Cuối năm 1947, địch ném bom xuống khu vực cầu Gọ xã Thượng Phương Hội Phú, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Phong, Đông Hưng). Năm 1948, bệnh viện tỉnh được lệnh chuyển đến thôn Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Quan. Ty y tế và bệnh viện cùng ở chung một địa điểm.
Cuối năm 1949, Thái Bình tuy chưa bị chiếm đóng nhưng thực dân Pháp hoạt động rất ráo riết. Trong vòng hai năm (1947 – 1949), địch đã đánh vào địa bàn Thái Bình 150 trận, ném 77 quả bom, 99 trận pháo kích, làm chết 778 người, làm bị thương 525 người, đốt cháy 5 459 nóc nhà, bắn chết 292 con trâu bò, bắn đắm 16 tàu thuyền, bắt đi 124 người và lấy đi 140 tấn thóc.

Đình thôn Bình Cách,xã Đông Xá, huyện Đông Quan, nơi bệnh viện sơ tán năm 1948 – 1949.
Giữa năm 1949, Sở Y tế Liên khu III tăng cường cho bệnh viện y sĩ Đông Dương Trần Văn Thừa, người có chuyên môn giỏi về cả ngoại khoa, sản khoa các bệnh về da liễu. Để kịp thời đối phó với âm mưu của địch, được sự chỉ đạo của Uỷ ban kháng chiến tỉnh và Ty Y tế Thái Bình, bệnh viện tỉnh chia làm hai bộ phận. Một bộ phận ở tả ngạn sông Trà Lý, một bộ phận ở phía Bắc đường 10. Bộ phận tả ngạn sông Trà Lý chuyển về đình thôn Luật Nội, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương do y sĩ Đông Dương Nguyễn Đức Chỉnh phụ trách. Tại xã Quang Lịch còn có quân y của Trung đoàn 42 do Bác sĩ Tô Đình Cự phụ trách đóng ở đình thôn Luật Ngoại. Quân dân y có thể chi viện hỗ trợ lẫn nhau.

Đình thôn Luật Nội, xã Quang Lịch, Huyện Kiến Xương – nơi sơ tán của một bộ phận bệnh viện Thái Bình
|

Đình Luật Ngoại,xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương– nơi sơ tán của bệnh viện Thái Bình và Quân y trung đoàn 42 năm 1949.
|
Bộ phận Bắc Đường 10 sơ tán về Đình làng Gạo, thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Côi (nay là huyện Quỳnh Phụ). Văn phòng Ty y tế chuyển về làng Tè thuộc xã Bắc Sơn, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Hưng Hà), hai làng đều trên một trục đường liên thôn, liên xã. Chùa làng Gạo còn là nơi ở của ông Đỗ Mười - Nguyên Bí thư khu uỷ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Đình Thôn Tè, xã Bắc Sơn, huyện Tiên Hưng nay là huyện Hưng Hà, Thái Bình
|

Chùa thôn Gạo,xã Quỳnh Nguyên, Quỳnh Côi, nay là huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình
|
Đến trước ngày thực dân Pháp chiếm đóng Thái Bình, bệnh viện có 87 cán bộ công nhân viên; trong đó có một bác sĩ, hai y sĩ Đông Dương, ba nữ hộ sinh Đông Dương, bảy y tá trưởng, bảy mươi y tá, còn lại là tá dịch và hộ lý.
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ III, cán bộ, nhân viên bệnh viện không ngừng nêu cao trách nhiệm trong hoạt động khám chữa bệnh: Phòng khám tổ chức khám bệnh và cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho công chức nhanh chóng; Phòng bào chế thi đua cải tiến cách pha chế thuốc; Các khoa phòng điều trị thi đua chăm sóc bệnh nhân và chữa bệnh có hiệu quả; Cán bộ các phòng khám bệnh ở tuyến huyện tăng cường xuống tận cơ sở để nghiên cứu tìm ra những căn bệnh phổ biến trong nhân dân để đề ra các phương thuốc phục vụ có hiệu quả. Tổng kết phong trào thi đua cuối năm ngành y tế được xếp thứ ba trong các ban ngành của tỉnh.
2. Bệnh viện Thái Bình phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (2/1950 – 6/1954)
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm xong các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, sáng ngày 08-02-1950, địch tiến đánh Thái Bình bằng nhiều mũi.
Từ Nam Định, tên quan tư Đát-xi-ơ chỉ huy 1000 quân vượt sông Hồng, đổ bộ lên chiếm Tân Đệ, Mỹ Lộc, Gia Lộc huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), sau đó đánh chiếm Thị xã, nhà thờ Cát Đàm và ngã tư Gia Lễ, huyện Đông Quan (nay là Đông Hưng).
Từ Hưng Yên, Hải Dương, địch tiến quân bằng 3 mũi:
- Mũi thứ nhất: do trung tá Đề-mo-rơ chỉ huy 1500 quân, từ Hưng Yên, qua bến Bùi, đánh vào Hưng Nhân, chiếm Nhà thờ Hà Xá.
- Mũi thứ hai: do Mu-le-cốc chỉ huy 1000 quân, vượt sông Luộc sang bến Hiệp, đánh chiếm huyện lỵ Quỳnh Côi.
- Mũi thứ ba: với lực lượng 1000 quân, vượt sông Luộc, tiến theo đê sông Hóa, đánh chiếm huyện lỵ Phụ Dực. Cùng lúc, cánh quân ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng kéo sang đánh chiếm Cầu Nghìn.
Quân cơ động tiến quân đến đâu nhanh chóng thiết lập các vị trí then chốt đến đó; đồng thời, bắt phu sửa chữa cầu đường, lập tề, vũ trang cho các nhà thờ thiên chúa giáo; kiểm soát 80% địa bàn trong tỉnh.
Thực dân Pháp đánh chiếm Thái Bình quá nhanh với một lực lượng đông đảo; kế hoạch và dự kiến của ta không phù hợp với thực tế nên lực lượng của y tế cũng như các ngành khác trong tỉnh bị thiệt hại khá lớn; số cán bộ, nhân viên mất đi quá nửa, người bị bắt, người bị thất lạc. Phần lớn cán bộ, viên chức của Bệnh viện lúc bấy giờ được đào tạo ở chế độ cũ, chưa va chạm với khó khăn, gian khổ. Hằng tháng, mỗi cán bộ, nhân viên được cấp 30kg thóc, trẻ em 15kg, ăn ở cùng với dân, do đó một số đã bỏ việc về nhà, buôn bán hoặc làm việc cho Pháp. Đến tháng 3-1950, ông Nguyễn Bá Tung – Trưởng Ty y tế cũng bỏ việc. Số cán bộ, nhân viên bệnh viện, các phòng cấp phát thuốc tập trung tất cả về khu căn cứ du kích ở thôn Thần Đầu, Thần Huống, huyện Thái Ninh (*) chỉ còn lại 39 người. Trong đó có bác sĩ Nguyễn Trọng Tuệ, hai y sĩ Nguyễn Đức Chính và Trần Văn Thừa, một nữ hộ sinh Đông Dương, hai mươi y tá, mười lăm tá dịch. Số cán bộ, nhân viên còn lại rất hăng hái, dũng cảm, mưu trí, bám sát địa bàn để chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Trước tình hình chiến sự xảy ra ngày càng ác liệt, vùng tự do bị thu hẹp, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã quyết định tạm thời cử Bác sĩ Nguyễn Trọng Tụê lên điều hành các hoạt động y tế. Ít lâu sau, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuệ được Sở Y tế Liên khu III điều sang Hà Nam công tác; y sỹ Nguyễn Đức Chỉnh được điều động lên thay. Bệnh viện do y sĩ Trần Văn Thừa phụ trách.
Tháng 6-1950, theo sự chỉ đạo của cấp trên, y sĩ Nguyễn Đức Chỉnh, y sĩ Trần Văn Thừa được điều về Sở Y tế Liên khu III. Sau đó, y sĩ Nguyễn Đức Chỉnh lên chiến khu Việt Bắc, y sĩ Trần Văn Thừa được điều vào vùng tự do Thanh Hoá, thành lập đội phẫu thuật phục vụ cho chiến dịch Hoà Bình, tỉnh quyết định ông Phạm Ngọc Liên, y tá giữ chức Quyền Trưởng Ty Y tế. Sau khi tổ chức được củng cố, bệnh viện đã đi vào hoạt động đều đặn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, bệnh viện tỉnh chuyển thành trạm phẫu thuật, cứu thương lưu động gọn nhẹ, dễ cơ động gồm các đồng chí: Lê Công Tiễn, Đoàn Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Hoà. Để tăng cường thêm biên chế phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, Tỉnh đội điều động y tá Dương Văn Tính và hai cứu thương quân y Lê Thị Vượng, Vũ Thị Hợp cho trạm phẫu thuật, cứu thương lưu động.
Từ giữa năm 1950, bệnh viện chỉ còn lại một trạm phẫu thuật và cứu thương lưu động. Ông Vũ Đình Khang được phân công phụ trách; y tá Phạm Thị Yến được giao nhiệm vụ phụ trách bào chế thuốc. Thời gian này, địch thường xuyên tổ chức các trận càn, đặc biệt là khu căn cứ du kích Thần Đầu, Thần Huống huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy). Để tránh thiệt hại và thương vong, trạm phẫu thuật và cứu thương lưu động phải di chuyển từ Thái Ninh lên Đông Quan, Tiên Hưng, Duyên Hà; đặt tại Chiếp Đông, Chiếp Đoài (nay là thôn Đông, thôn Đoài, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà) do ông Hoàng Ngọc Lộng phụ trách. Đầu năm 1951 ông Hoàng Ngọc Lộng chuyển sang phụ trách bệnh xá quân y ở thôn Lường, thôn Tịp,xã Hòa Tiến, Hưng Nhân.

Đình Làng Chiếp Đông, Duyên Hà,nay là thôn Đông, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà
Trước tình hình chiếm đóng của của quân Pháp, để đảm bảo cho công tác cứu chữa vết thương chiến tranh và khám chữa bệnh cho quân dân trong tỉnh, ở các huyện cũng thành lập trạm cứu thương liên huyện, bám sát địa bàn và các đơn vị vũ trang để phục vụ cứu chữa thương bệnh binh:
- Trạm cứu thương Tiên Hưng - Đông Quan, có 02 y tá: Hoàng Trinh và Hoàng Thị Minh.
- Trạm cứu thương Thụy Anh, có 02 y tá Giang Văn Bân và Nguyễn Thị Lộc
- Trạm Quỳnh Phụ, có y tá Nguyễn Xuân Thưởng.
- Trạm Vũ Thư, có y tá Đặng Văn Toại.
- Trạm Kiến Xương, Tiền Hải có y tá Đào Hữu Lẫm.
- Trạm Duyên Hưng, có y tá Vũ Thị Tứ, cứu thương Trần Thị Vựơng của quân y tăng cường và nữ hộ sinh Khổng Thị Ngọc Đào của huyện Thụy Anh.
- Văn phòng Ty Y tế lúc đó chỉ còn 2 người, ông Phạm Ngọc Liên - Quyền trưởng Ty và ông Trần Văn Xuân y tá văn phòng.
Việc sắp xếp tổ chức trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện hoạt động có hiệu quả.
Cuối năm 1950, để động viên khích lệ những cán bộ y tế có tinh thần gan dạ, dũng cảm, mưu trí phục vụ chiến đấu, Ty y tế đã đề nghị cấp trên ghi công và khen thưởng một số cán bộ y tế:
Đề nghị ghi công: Ông Phạm Ngọc Liên - Quyền Trưởng Ty y tế, ông Trần Văn Xuân- y tá văn phòng. Các y tá: Phạm Hiển, Đỗ Xuân Đài, Lê Công Tiễn, Đoàn Nguyệt Minh, Nguyễn Thị Hoà, Phạm Thị Trường.
Đề nghị khen thưởng: Bà Khổng Thị Ngọc Đào- nữ hộ sinh Đông Dương và các y tá: Hoàng Trinh , Giang Văn Bân, Nguyễn Xuân Thưởng, Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Lộc, Hoàng Thị Minh, tá dịch: Tô Đình Phú, Tô Đình Cà.
(*) Xã Thần Huống, huyện Thái Ninh cũ, nay là xã Thái Thịnh, Thái Thuần, Thái Thành, Thái Thọ huyện Thái Thụy
Xã Thần Đầu huyện Thái Ninh cũ nay là xã Thái Nguyên, Thái Hưng, Thái Xuyên huyện Thái Thụy
Đầu năm 1951, tình hình chiến sự trong tỉnh diễn ra ngày càng ác liệt hơn. Trạm phẫu thuật bệnh viện tỉnh chuyển về thôn Tuy Lai, xã An Đồng, huyện Duyên Hà (nay là xã Minh Khai, huyện Hưng Hà) do ông Vũ Đình Khang phụ trách; cán bộ nhân viên gồm: Y tá Lê Công Tiễn, Phạm Hiền, Đoàn Nguyệt Minh, Phạm Thị Yến, Dương Văn Tính của quân y tăng cường, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hảo. Số nhân viên phục vụ có ông bà Nhi, ông bà Đối, bà Phú, bà Khánh, ... Ông Vũ Đình Khang có chuyên môn giỏi, thành thạo trong việc xử lý các vết thương chiến tranh, góp phần không nhỏ vào việc bồi dưỡng tay nghề cho đồng nghiệp và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong toàn tỉnh.
Để đáp ứng với yêu cầu của cuộc kháng chiến, Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh chủ trương điều động những cán bộ đang công tác ở các ngành có chuyên môn về y tế, bổ sung cho Ty Y tế: Ông Tô Minh Khoái-Chính trị viên Huyện đội Tiên Hưng về làm Phó Ty Y tế; ông Tô Văn Nhật- y tá ngành công an, ông Nguyễn Thành An - Huyện đội Tiên Hưng, ông Nguyễn Văn Khâm - Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Tiên Hưng, ông Nguyễn Như Bích (tức Hoàng Thanh) - Văn phòng Tỉnh uỷ. Ông Phạm Tiến Lãng – cán sự huyện ủy Đông Quan phụ trách xã Hội Phú, công tác tại Đại đội 4 huyện Đông Quan; ông Phạm Bình Khoái - Bí thư chi bộ xã Tống Thỏ, huyện Đông Quan điều động về bệnh viện tỉnh. Tất cả đều tập trung ở thôn Tuy Lai xã An Đồng huyện Duyên Hà.
Tháng 3 năm 1951, sau khi đã được tăng cường cán bộ, bệnh viện thành lập thêm trạm phẫu thuật và cứu thương lưu động ở khu vực phía Nam đường 10 đặt ở chùa Cau Đẻ, thôn Đoài xã Thần Huống, Thái Ninh do ông Dương Văn Tính phụ trách; ông Phạm Bình Khoái phụ trách công tác Đảng và công việc hậu cần. Cán bộ nhân viên có các ông: Hoàng Văn Khúc, Mai Văn Thiện. Tại đây, địch thường xuyên mở các đợt càn quét, số người bị thương đã đến trạm có ngày từ 40 -50 người. Trạm phẫu thuật sau chuyển lên thôn Đông, xã Thần Huống, huyện Thái Ninh. Trạm phẫu thuật được đổi tên là Bệnh viện B (Trạm phẫu thuật phía Bắc đường 10 gọi là bệnh viện A).
Để tăng cường đào tạo cán bộ y tế ở các huyện phía Nam đường 10, Ty y tế bổ sung cho bệnh viện B ông Phạm Văn Toại, ông Vũ Văn Tuyên và một số nhân viên phục vụ.

Chùa Cau Đẻ xã Thái Thịnh – nơi đặt trạm phẫu năm 1951
Ngày 28-8- 1951, địch tiếp tục mở trận càn Mũi Lao (Imprumtu) vào khu vực phía Nam huyện Thái Ninh; chúng càn đi quét lại nhiều lần, số người bị thương chuyển đến bệnh viện ngày càng đông, có lúc lên tới trên 100 người. Bệnh viện B phải chuyển thương binh lên huyện Tiên Hưng nhưng do quân địch cắm chốt dày đặc tại đường 10 không qua được nên bệnh viện phải dừng lại ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Quan; ngày hôm sau địch càn đến xã Đông Hoàng, thương binh được nhân dân cất giấu, bảo vệ an toàn. Sau đó cán bộ bệnh viện đã đưa thương binh vượt sông Trà Lý sang xã Đình Phùng, về xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương. Thương binh được gửi trong nhà dân thôn Khả Phú, xã Bình Thanh. Cán bộ còn lại có bốn người: ông Phạm Bình Khoái, ông Dương Văn Tính, ông Hoàng Văn Khúc, ông Mai Văn Thiện; ông Đặng Văn Toại, ông Vũ Văn Tuyên bị thất lạc. Trong trận càn Trái Quýt, ông Toại bị bắt ở Tiên Hưng; ông Tuyên bỏ về quê không trở lại làm việc. Việc ăn uống của thương binh, tỉnh đội cử đồng chí Thỉnh sang chỉ đạo; hội phụ nữ địa phương lo việc hậu cần và phục vụ ăn uống cho bệnh nhân.

Đình thôn Khả Phú, xã Bình Thanh, Kiến Xương – nơi bệnh viện sơ tán tháng 8- 1951
|

Nhà cụ Đỗ HữuSen(xã Bình Thanh, Kiến Xương) - nơi ở của cán bộ bệnh viện tháng 9-1951
|
Ở Bệnh viện A, hằng ngày có đến hàng trăm bệnh nhân chủ yếu là người bị thương, nhiều đêm phải tiến hành mổ suốt đêm (như trận đánh bốt Riền có tới 25 thương binh). Ngoài việc phục vụ thương binh, Bệnh viện A còn mở lớp nữ hộ sinh, y tá ba tháng cho các xã phía bắc đường 10 để bổ sung cho các ban y tế xã.
Trang thiết bị y tế của bệnh viện chỉ có một, hai bộ đồ mổ, vài ba hộp bông băng và một số thuốc. Mỗi tháng, Sở Ytế Liên khu III cung cấp thuốc cho một lần và phải vào huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình nhận thuốc. Đầu tháng 10-1950, bốn tá dịch đi lĩnh thuốc về qua đường 21, đoạn thuốc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam thì bị địch phục kích lấy đi ba gánh thuốc, bắt đi ba người. Riêng ông Tô Đình Cả cao tuổi, địch thả cho về. Bệnh viện thường phải nhờ vào nguồn thuốc mua từ Hải Phòng, Nam Định mang về. Mặc dù trong tình thế khó khăn, ngành y tế vẫn đảm bảo cung cấp thuốc cho các việc cứu chữa thương bệnh binh và nhân dân, ngoài ra còn phải cung cấp thuốc cho cả các đơn vị bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Năm 1951, địch khủng bố gắt gao, từ tháng 3-1951 đến tháng 10-1951, Pháp mở năm trận càn lớn: ngày 19-3 trận càn đánh vào khu du kích Thượng Phương – Hội Phú, huyện Đông Quan; ngày 24-4 trận càn đánh phá hai huyện Phụ Dực, Thụy Anh; ngày 28-8 trận càn vùng Bắc Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Ninh, đánh phá khu căn cứ du kích Thần Huống; ngày 01-10 trận càn đánh phá căn cứ Tiên Duyên Hưng và ngày 10-10 trận càn đánh phá vùng đông bắc huyện Quỳnh Côi.
Đặc biệt, trong trận càn Trái Quýt (Mandarine) ngày 01-10 địch đánh phá khu căn cứ Tiên Duyên Hưng, gây cho ta thêm nhiều thiệt hại. Số cán bộ của Bệnh viện A ở thôn Tuy Lai đều bị địch bắt. Ông Phạm Ngọc Liên trưởng Ty Y tế, ông Phạm Tiến Lãng bệnh viện A cũng bị bắt trong trận càn này, duy nhất còn lại bà Phạm Thị Yến - y tá phòng bào chế đi cùng với ông Tô Minh Khoái - Phó trưởng ty y tế, ông Nguyễn Ngọc My - văn phòng ty y tế vượt vòng vây về thôn Sơn Thọ, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương liên lạc được với một số cán bộ Bệnh viện B đang phục vụ thương binh ở thôn Khả Phú, xã Bình Thanh.

Đình Sơn Thọ, xã Nam Bình, Kiến Xương, nơi đặt trạm phẫu thuật năm 1952
Sau năm trận càn, số nhân viên bệnh viện chỉ còn lại bảy người là: ông Tô Minh Khoái, ôngPhạm Bình Khoái, ông Dương Văn Tính, ông Hoàng Văn Khức, ông Mai Văn Thiêm, ông Nguyễn Ngọc My và bà Phạm Thị Yến. Giai đoạn này, lực lượng cán bộ của bệnh viện còn quá mỏng nên số bệnh nhân bị thương trong tỉnh phải dựa vào trạm cứu thương liên huyện và mạng lưới y tế xã chăm sóc.
Cuối năm 1951, ông Hoàng Ngọc Lộng - y tá phụ trách bệnh xá quân y ở thôn Lường, thôn Tịp, xã Hiệp Hòa, huyện Hưng Nhân (nay là xã Hợp Tiến, Hưng Hà) đã liên lạc trở về xã Bình Thanh. Tháng 1-1952, ông Phạm Tiến Lãng bị địch bắt được trả tự do. Ty Y tế đã chỉ đạo củng cố trạm phẫu thuật cấp cứu tại đình thôn Sơn Thọ, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương do ông Hoàng Ngọc Lộng, ông Phạm Tiến Lãng, ông Dương Văn Tính đảm nhiệm; ông Phạm Bình Khoái phụ trách việc chăm sóc thương binh tại thôn Khả Phú, xã Bình Thanh, một thời gian ngắn, trạm phẫu thuật chuyển xuống đình thôn Đức Chính, xã Nam Bình. Tại đây, bệnh viện được tăng cường một số hộ lý như: chị Xuân, chị Giữa, chị Thành, chị Quang, chị Bồng. Tỉnh đội còn cử đồng chí Thỉnh sang phụ trách công tác hậu cần.
Dụng cụ khám chữa bệnh, thuốc, bông băng ở cả hai bệnh viện đều bị mất trong các trận càn. Ông Tô Minh Khoái - Quyền trưởng Ty Y tế đã đề xuất với ông Khiếu Xuân Tương ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh liên hệ với ông Đỗ Xuân Đài quản đốc Trại phong Văn Môn (lúc bấy giờ thuộc quyền quản lý của Pháp) nhờ giúp đỡ một số dụng cụ, bông băng thuốc chữa bệnh. Tất cả được khoảng một gánh, ông Tô Đình Cà mang về cùng với nguồn thuốc từ thị xã chuyển ra. Trạm phẫu thuật tiếp tục hoạt động vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa mở lớp huấn luyện y tá, hộ sinh xã và lớp y tá khoá II của Khu Y tế Tả Ngạn.
Trung tuần tháng 11-1951, thực dân Pháp mở cuộc hành quân Lô - tút, đánh chiếm thị xã Hòa Bình. Trung ương Đảng đã nhận định đây là thời cơ để ta đánh địch. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Liên khu Ba phát động toàn liên khu phối hợp với chiến trường chính “Tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố phong trào cơ sở, tranh thủ nhân dân”. Đầu tháng 01-1952, quân dân Thái bình đã tiêu diệt, bức rút 40 đồn địch. Những hoạt động mạnh mẽ của quân và dân ta đã đẩy địch vào tình thế bị động hoàn toàn. Ngày23-3-1952, đích thân tướng Sa-lăng, tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và tướng Đơ-li-na-rét chỉ huy quân sự Bắc Việt trực tiếp chỉ huy, mở trận càn Thủy Ngân (Mercure) đánh phá Thái Bình. Địa bàn địch tập trung đánh phá là các huyện Thái Ninh, Thụy Anh, Kiến Xương, Tiền Hải.
Ngày 28-3-1952, địch càn quét phía nam huyện Kiến Xương số thương binh ở bệnh viện trên 100 người. Mặc dù không không kịp di chuyển nhưng bệnh viện được nhân dân địa phương bảo vệ an toàn. Sau khi địch rút, cán bộ bệnh viện gồm: ông Phạm Bình Khoái, ông Dương Văn Tính, ông Hoàng Ngọc Lộng, ông Phạm Tiến Lãng và học sinh lớp y tá, hộ sinh đã kịp thời có mặt để phục vụ thương binh. Hoạt động của trạm phẫu thuật cấp cứu và công tác đào tạo lớp y tá, hộ sinh trở lại bình thường.
Với thành tích phục vụ kháng chiến, ngành Y tế tỉnh Thái Bình trong đó có vai trò nòng cốt của Bệnh Viện tỉnh đã được Bộ tư lệnh liên khu III ghi nhận và tặng bằng khen với dòng chữ: “Để tưởng niệm công trạng của cán bộ nhân viên ngành Y tế Thái Bình” do đại tá Hà Kế Tấn ký. Trong tổng kết công tác y tế năm 1952, ông Phạm Tiến Lãng được bầu là chiến sỹ thi đua của ngành Y tế.
Năm 1953, tình hình chiến sự ở Thái Bình diễn biến có lợi cho ta. Đại đoàn 320 đã phối hợp với quân, dân tỉnh Thái Bình tấn công đánh địch, hàng loạt các đồn bốt của địch bị phá vỡ. Khu căn cứ du kích Tiên Duyên Hưng, phía Nam huyện Thái Ninh, Kiến Xương được mở rộng, tuy nhiên vùng Tiên Duyên Hưng không còn cơ sở phẫu thuật. Trước tình hình đó, Ty y tế đã chỉ đạo thành lập một đội phẫu thuật cứu thương lưu động lên phía bắc đường 10 do ông Phạm Bình Khoái phụ trách; ông Lân do Tỉnh đội cử sang phụ trách khâu hậu cần. Trạm phẫu thuật cấp cứu đặt tại chùa thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Tiên Hưng, sau chuyển về miếu thôn An Vinh, xã Mê Linh, huyện Tiên Hưng. Sau một thời gian, ông Phạm Bình Khoái được điều động về Văn phòng Ty Y tế; ông Dương Văn Tính lên thay.
Đình thôn Tiến Trật xã Đô Lương, huyện Tiên Hưng (Hưng Hà ngày nay)
nơi đội phẫu thuật lên phía bắc sau trận càn Trái Quýt và Thủy Ngân
Ông Phạm Tiến Lãng được ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh điều về phụ trách quân y tỉnh, bộ phận phẫu thuật cấp cứu còn lại ở Nam Bình tiếp tục chuyển xuống Tiền Hải qua các thôn: Lưu Phương xã Ái Quốc (nay là xã Tây Phong). Trạm phẫu thuật cấp cứu và phòng đỡ đẻ được đặt tại nhà ông Chánh Thung ở thôn Diêm Trì và nhà ngang của chùa Lưu Phương, sau đó tiếp tục di chuyển qua Đông Xuyên, Trinh Cát. Lúc này trạm phẫu thuật cấp cứu đặt tại nhà ông Đoàn Đình Thỉnh, cơ sở điều trị đặt tại đình xã Đông Hoàng do ông Hoàng Ngọc Lộng phụ trách, cán bộ có bà Nguyễn Thị Lộc nữ hộ sinh trung cấp, Nguyễn Thị Yến y tá bào chế, Nguyễn Ngọc My, Mai Văn Thiện.Ngoài việc phục vụ thương binh, bệnh binh, dân quân du kích và nhân dân, Bệnh viện có những thời gian còn chữa vết thương cho lính Âu phi trước khi chuyển ra vùng tự do. Bệnh viện còn tiếp tục chiêu sinh mở các lớp y tá, nữ hộ sinh cho các xã và tiếp tục đào tạo lớp y tá hộ sinh của khu y tế tả ngạn.
Tháng 3-1953, ông Phạm Ngọc Liên trưởng Ty Y tế đi chỉnh huấn; ông Tô Minh Khoái - Phó trưởng Ty Y tế chuyển về công tác tại văn phòng Tỉnh uỷ và được điều động lên Khu Y tế tả ngạn. Khi địch mở trận càn Con Cóc, Con Trâu ở phía nam, phía bắc sông Trà Lý, văn phòng Ty y tế chuyển về xã Bình Định, huyện Kiến Xương.
Tháng 4-1953, Văn phòng Ty một lần nữa di dời địa điểm lên phía bắc đường 10, đặt tại thôn An Vinh, xã Mê Linh, huyện Tiên Hưng. Ông Phạm Tiến Lãng được điều lên phụ trách Ty Y tế trong thời gian ông Phạm Ngọc Liên đi công tác.
Tháng 5-1953, Bộ Y tế tăng cường cho Ty Y tế hai y sĩ trung cấp. Ông Hà Mai Tiếu được phân công sang phụ trách quân y, ông Phạm Tiến Lãng về Ty Y tế và phụ trách khu điều dưỡng phong Văn Môn của Khu y tế tả ngạn. Ông Tô Văn Sán được bổ sung cho bệnh viện A ở thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Tiên Hưng. Cùng thời điểm này, bộ phận bệnh viện ở huyện Tiền Hải lại chuyển về huyện Kiến Xương, đặt địa điểm tại Văn Chỉ, thôn Dương Liễu Trai, xã Bình Định. Bệnh viện vẫn do ông Hoàng Ngọc Lộng phụ trách; bà Nguyễn Thị Lộc - nữ hộ sinh trung cấp, bà Phạm Thị Yến - y tá bào chế phụ trách theo dõi lớp huấn luyện, bổ túc lớp nữ hộ sinh ba tháng cho các xã và cơ quan trong tỉnh.

Trụ sở tiếp công dân thôn Dương Liễu Trại,xã Bình Định,huyện Kiến Xương
(nơi bệnh viện sơ tán cuối 1952 và đầu năm 1953).
Từ tháng 6 đến tháng 11-1953, Liên khu III điều động ông Nguyễn Hữu Phổ- trưởng Ty Y tế Kiến An về làm Trưởng Ty Y tế Thái Bình thay ông Phạm Ngọc Liên- Trưởng Ty Y tế về công tác ở Hải Dương. Để phục vụ cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, Ty Y tế đã quyết định cho bệnh viện thành lập thêm một bệnh viện ở phía nam Thái Bình. Đến cuối năm 1953, bệnh viện tỉnh đã có ba bệnh viện gọi là Bệnh viện A, Bệnh viện B, Bệnh viện C.
Bệnh viện A ở phía Bắc đường 10; phòng phẫu thuật cấp cứu đặt ở thôn Tiến Trật, xã Đô Lương, huyện Tiên Hưng. Cán bộ gồm có: y sĩ Tô Văn Sán - phụ trách bệnh viện; nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hoà và y tá Trần Văn Cát.
Bệnh viện B đặt tại đình Cổ Rồng, xã Phương Công, huyện Tiền Hải. Cán bộ gồm: Ông Dương Văn Tính - phụ trách bệnh viện, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Văn Y.
Bệnh viện C đặt tại Dương Liễu Trại, xã Bình Định, huyện Kiến Xương. Cán bộ gồm: Y tá Hoàng Ngọc Lộng phụ trách bệnh viện, hai công nhân là: Hoàng Văn Khúc, Mai Văn Thiện, hộ lý Nguyễn Thị Thanh.
Tính đến tháng 12-1953, số cán bộ công nhân viên bệnh viện và Văn phòng Ty Y tế đã có 30 người. Trong đó có hai y sĩ, mười sáu y tá và nữ hộ sinh, tám tá sự và hai tá dịch.
Từ tháng 02-1950 đến 1-1954, nhờ tăng cường thêm các trạm phẫu thuật cứu thương lưu động của bệnh viện tỉnh, cùng mạng lưới y tế của các xã, các trạm cứu thương của huyện (sau này là phòng y tế các huyện) nên đã kịp thời cứu chữa các vết thương, giảm được sự thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Theo báo cáo của Ty Y tế, bệnh viện tỉnh đã điều trị cấp cứu 3.776 các vết thương chiến tranh, chữa bệnh cho 26.198 lượt người, điều trị sản phụ khoa 159 ca; ban y tế xã đã điều trị 1.927 trường hợp vết thương nhẹ, 2.627 sản phụ khoa, 316 ca gồm giang mai, lậu và các bệnh viêm tử cung.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược tại Thái Bình, đầu năm 1954, Bộ Y tế đã tăng cường thêm cho tỉnh bốn y sỹ gồm: ông Nguyễn Thản, ông Đặng Hồi Xuân, ông Nguyễn Văn Xê, ông Dương Hữu Toàn và tám y tá khóa II của Khu y tế tả ngạn mới ra trường là: Nguyễn Thị Tô, Đặng Thị Cưu, Lê Tất Thiển, Nguyễn Văn Quý, Nguyễn Ngọc Chiểu, Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Thị Phôn và Phạm Đình Sầm. Ủy ban kháng chiến tỉnh còn tăng cường cho ba cán bộ làm công tác đảng, công tác chính trị, công tác hậu cần ở các bệnh viện gồm: ông Lý Tuân, ông Nguyễn Văn Thịnh, ông Khuyến. Ty y tế đã chỉ đạo phân công cán bộ như sau:
Bệnh viện A: ông Nguyễn Văn Xê, ông Nguyễn Ngọc Chiểu, ông Nguyễn Văn Quý, Lê Tất Thiển y tá và ông Nguyễn Văn Thịnh- cán bộ chính trị.
Bệnh viện B được tăng cường thêm y sỹ Dương Hữu Toàn, ông Dương Văn Tính, ông Khuyến - cán bộ chính trị.
Bệnh viện C từ Dương Liễu Trại, xã Bình Định, huyện Kiến Xương chuyển sang phía nam huyện Thái Ninh được tăng cường y sỹ Nguyễn Thản, ông Lý Tuân cán bộ chính trị, bà Nguyễn Thị Tố-y tá.
Ty y tế còn chỉ đạo Bệnh viện thành lập thêm hai đội cấp cứu hỏa tuyến: Một đội ở Văn phòng Ty để có thể chi viện cho bất cứ nơi nào khi cần thiết do y sỹ Đặng Hồi Xuân phụ trách; Một đội ở Thụy Anh do ông Hà Mai Tiếu phụ trách.
*
* *
Tháng 3-1954, quân ta đã nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, quân dân Thái Bình đã đẩy mạnh mọi hoạt động chống địch càn quét ở các huyện Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương, Duyên Hà, Tiên Hưng, Đông Quan.
Thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ, hàng ngũ binh lính địch càng hoang mang, dao động. Chớp thời cơ, từ ngày 25-6 đến ngày 30-6-1954, quân và dân trong tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt 4 tiểu đoàn, làm tan rã 13 đại đội, phá hủy 20 xe cơ giới của địch. Ta thu được 7 xe, cùng nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, đạn dược, thuốc men, dụng cụ, máy móc của địch. Tỉnh Thái Bình được giải phóng.
Những ngày đầu tháng 7-1954, Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã tổ chức Ủy ban quân quản để tiếp quản thị xã, quản lý các công sở, thu nạp công nhân, viên chức, kiểm kê các cơ quan, trường học, bệnh viện.
Bệnh viện tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, giữ vững ổn định trật tự và tiến hành mọi hoạt động khám chữa bệnh. Vào thời gian này, các đơn vị của Bệnh viện di chuyển về địa điểm mới:
Bệnh viện A (bệnh viện phía Bắc đường 10) từ làng Tè, làng Gạo chuyển đến Vân Đài, Ngọc Chí, An Khoái rồi chuyển đến xã Dân Chủ, huyện Duyên Hà (sau đó đổi tên thành Bệnh xá Bắc).
Bệnh viện B ở Cổ Rồng chuyển địa điểm về xã Tây Sơn và giao cho Phòng y tế Tiền Hải phụ trách. Ông Khuyến-cán bộ chính trị được điều động đi công tác nơi khác, ông Dương Văn Tính về tỉnh đội.
Bệnh viện C: Một bộ phận ở thôn Vũ Công, thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng huyện Thái Ninh, chuyển về thôn Vị Dương, thôn Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Ninh; Một bộ phận ở lại địa điểm bên bờ sông Diêm, xã Thái Giang (sau này đổi tên thành Bệnh xá Nam); Một bộ phận từ thôn Duyên Hà, Kinh Hào, Kinh Lâu, xã Đông Kinh, huyện Đông Quan chuyển về thôn Cổ Hội, xã Đông Phong, huyện Đông Quan.
Bệnh xá cán bộ sau khi Tỉnh ủy bàn giao cho Ty y tế đã chuyển từ thôn Đồng Tỉnh, xã Thái Dương, huyện Thái Ninh về thôn Duy Tân, xã Hoàng Diệu, huyện Đông Quan do y sỹ Đặng Hồi Xuân phụ trách.
Văn phòng Ty Y tế, sau hoà bình lập lại, thời gian đầu không có nơi làm việc phải ở chung với bệnh viện tại khu nhà vòm - bệnh viện dã chiến của Pháp để lại.
Đến tháng 12-1954, Bệnh viện tỉnh Thái Bình bao gồm bốn bệnh xá:
1. Bệnh xá Bắc ở thôn Quán (nhà địa chủ Bá Phùng), xã Dân Chủ, huyện Duyên Hà, biên chế có 7 cán bộ, nhân viên: Y sỹ Tô Văn Sán - phụ trách, ông Nguyễn Văn Thịnh – chính trị viên; bà Nguyễn Thị Hoà - Nữ hộ sinh trung cấp; một y tá và ba nhân viên. Đến đầu năm 1955 chuyển về xây dựng bệnh xá Bắc mới ở xã Lô Giang, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Đông Hưng).

Trạm y tế xã Lô Giang, huyện Đông Hưng
(bệnh xá Bắcthời kỳ kháng chiến chống Pháp 1955)
2. Bệnh xá Nam ở xã Phúc Khê, huyện Thái Ninh, biên chế 8 cán bộ, nhân viên: Y sỹ Dương Hữu Toàn - phụ trách; ông Khuyến - Chính trị viên; bà Nguyễn Thị Ngân- Nữ hộ sinh trung cấp; hai y tá; hai nhân viên; một tá sự.

Bệnh viện Thái Ninh, huyện Thái Thụy
(Bệnh xá Đông thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm1954)
3. Bệnh xá Thị xã, biên chế 19 cán bộ, nhân viên: Y sỹ Hà Mai Tiếu - phụ trách, ông Lý Tuân - Chính trị viên, bảy y tá, ba nữ hộ sinh, sáu nhân viên, một tá dịch.
Bệnh viện nhà Tôn của Mỹ viện trợ cho Pháp ở chân cầu Bo
4. Bệnh xá cán bộ, biên chế 7 cán bộ, nhân viên gồm: Y sỹ Đặng Hồi Xuân - phụ trách, y tá Vũ Ngọc Đại - quản trị trưởng, hai y tá điều trị, ba nhân viên.
, một tá dịch.

Đền thôn Duy Tân, xã Hoàng Diệu
(địa điểm của bệnh xá cán bộ năm 1954)
Khi thực dân Pháp tiến đánh Thái Bình, trong bối cảnh từ hòa bình chuyển sang chiến tranh, bệnh viện tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và điều kiện làm việc. Nhưng với tinh thần quyết tâm, cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vào những năm 1948-1950, một số cán bộ của bệnh viện đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng như: đồng chí Nguyễn Thị Lộc, Hoàng Ngọc Lộng, Phạm Tiến Lãng, Phạm Bình Khoái, Phạm Ngọc Liên và sau này trở thành lực lượng nòng cốt của bệnh viện. Đến cuối năm 1953, Bộ y tế tăng cường cho bệnh viện một số y sĩlà đảng viên, trong đó cócác đồng chí Nguyễn Văn Xê, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Quốc Khiên phụ trách các trạm cấp cứu phẫu thuật lưu động. Từ một Bệnh viện khi đi sơ tán phục vụ kháng chiến chống Pháp đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1954), đã hình thành bốn bệnh xá làm nền tảng cho sự phát triển hệ thống khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Tổng số cán bộ, nhân viên của toàn ngành Y tế Thái Bình tại thời điểm đó có 52 người, trong đó cán bộ, nhân viên Bệnh xá có 41 người, Văn phòng Ty Y tế có 11 người. Trong 9 năm (1946-1954) kháng chiến chống thực dân Pháp, Bệnh viện tỉnh đã đào tạo, bổ túc ngắn hạn cho 310 cán bộ y tế, 224 nữ hộ sinh, bố trí đủ số cán bộ y tá cho 168 xã trong tỉnh, làm tốt công tác khám chữa bệnh, phục vụ nhân dân.

Một số cán bộ bệnh viện thời kỳ kháng chiến chống Pháp
- Hàng thứ nhất từ trái sang phải: Ông Phạm Bình Khoái, Ông Nguyễn Văn Nhì, ông Hoàng Ngọc Lộng, ông Nguyễn Văn Khâm, ông Nguyễn Quốc Khiên
- Hàng thứ 2 (đứng sau) từ trái sang phải: Ông Ngô Minh Giám, ông Trần Văn Cát, ông Lê Tất Thiển, bà Nguyễn Thị Tố, bà Bùi Thị Quang.
- Hàng thứ ba từ trái sang phải: Ông Hà Mai Tiếu, ông Nguyễn Ngọc Chiểu, ông Nguyễn Thản, ông Tô Ngọc Nhiếp, ông Phạm Tiến Lãng, bà Nguyễn Thị Lộc, ông Đặng Hồi Xuân (sau là bộ trưởng bộ y tế).
Nhìn lại hoạt động của bệnh viện trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, dù còn rất non trẻ nhưng với sự nỗ lực của tập thể y bác sỹ, bệnh viện đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng với quân dân trong tỉnh lập nên những thành tích xuất sắc, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến kiến quốc, giải phóng quê hương. Những thành tích đã đạt được là tiền đề quan trọng để Bệnh viện bước vào giai đoạn cách mạng mới.