CHƯƠNG 3
BỆNH VIỆN THÁI BÌNH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ (1954-1975)
3.1. Bệnh viện Thái Bình trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1954 – 1968)
3.1.1 Bệnh viện Thái Bình từ sau hòa bình lập lại đến trước chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1954-1964)
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng; miền Nam còn tạm thời dưới quyền kiểm soát của Mỹ-Ngụy. Nhiệm vụ trước mắt của toàn dân ta là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Thực hiện nhiệm vụ mới, cũng như các địa phương khác trong cả nước, Thái Bình gặp không ít khó khăn. Trước khi rút chạy khỏi Thái Bình, địch vẫn ngoan cố cài lại một số tay chân, tiến hành chống phá công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chúng đốt 120 gian nhà của giáo dân, thiêu hủy tài liệu trong các trụ sở, cướp bóc tài sản của nhân dân, rải truyền đơn xuyên tạc chính sách của Đảng và của Chính phủ ta. Các dịch bệnh thường xuyên xảy ra như dịch sốt rét, kiết lỵ, ho gà, dịch tả... làm ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và sức khỏe của nhân dân.
Trước tình hình đó Đảng bộ và chính quyền các cấp đã tiến hành tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù đồng thời kiên quyết trừng trị bọn phản động, giáo dục nghiêm khắc đối với bọn tay sai của chúng. Trong quá trình tiếp quản vùng mới giải phóng, đặc biệt là tiếp quản Thị xã Thái Bình, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã triển khai các biện pháp nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị và tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đối với bệnh viện tỉnh Thái Bình, Ty y tế đã quyết định: Các cơ sở của bệnh viện được hình thành trong những năm đi sơ tán về nông thôn phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như: Bệnh xá Bắc ở Tiên Hưng, Bệnh xá Nam ở Thái Ninh được giữ lại làm bệnh xá khu vực ở tuyến huyện. Bệnh xá cán bộ ở thôn Duy Tân, xã Hoàng Diệu, huyện Đông Quan giải thể, cán bộ của bệnh xá chuyển về bệnh viện tỉnh.
* Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho hoạt động khám chữa bệnh.
Bệnh viện tỉnh trong khi chưa xây dựng được cơ sở mới, tạm thời sử dụng bệnh xá thị xã (đặt tại Bệnh viện dã chiến của thực dân Pháp để lại) làm cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh viện tập trung cán bộ, thuốc men, trang thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.
Bệnh viện dã chiến do đế quốc Mỹ viện trợ cho Pháp khi chiếm đóng Thái Bình đặt bên bờ sông Trà Lý - ở vị trí nhà máy xay chân cầu Bo mới hiện nay, gồm chín ngôi nhà vòm bằng nguyên liệu cát tông không cháy. Khi Pháp rút khỏi Thái Bình, dụng cụ y tế chúng mang đi hoặc phá hủy. Ty y tế đã sử dụng ba ngôi nhà làm văn phòng làm việc, kho thuốc của Ty, nhà bếp và nhà ăn. Sáu ngôi nhà còn lại phải sửa sang lại để phục vụ bệnh nhân. Khắc phục khó khăn, thiếu thốn trong điều kiện hiện tại, Uỷ ban hành chính tỉnh đã cấp kinh phí sửa sang lại các ngôi nhà và làm thêm một số ngôi nhà tạm ở phía sau giáp bờ sông Trà Lý cho bộ phận văn phòng của bệnh viện và nơi ở của các sản phụ sau khi sinh.
Các ngôi nhà vòm bố trí các khoa: Nội nhi, khoa ngoại, khoa sản, nhà mổ, phòng đỡ đẻ, phòng làm thuốc, phòng xét nghiệm, phòng khám bệnh và phòng cấp phát thuốc. Khi mới tiếp quản, bệnh viện có 100 giường bệnh, đến cuối năm 1955, sau khi sửa chữa và xây dựng xong các ngôi nhà tạm bằng tranh tre, số giường bệnh tăng lên 150 giường.

Cán bộ Bệnh viện tiếp quản Bệnh viện dã chiến do Mỹ viện trợ cho Pháp
(nhà máy xay cũ ở chân cầu Bo)
Tháng 02-1956, Bộ Y tế cho sáp nhập cơ sở của Bệnh viện F thuộc Bộ được xây dựng (tháng 9-1955) ở phố An Tập để phục vụ cán bộ miền Nam tập kết vào Bệnh viện tỉnh Thái Bình. Thời điểm này Bệnh viện Thái Bình có hai cơ sở: một cơ sở ở nhà Vòm đặt khoa Sản, ngoại, phòng mổ, phòng đỡ đẻ. Cơ sở thuộc bệnh viện F là nơi làm việc của các khoa Nội, Nhi, Lao, Dược, phòng Khám bệnh, phòng Xét nghiệm, phòng Điều trị cán bộ và thương bệnh binh. Số giường bệnh đã bố trí được 330 giường.
.jpg)
Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ
(Địa điểm Bệnh viện F năm 1955)
Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày một tăng, Bộ y tế, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh đã quyết định xây dựng bệnh viện tỉnh ở cơ sở mới (vị trí của bệnh viện hiện nay) với tổng diện tích 8ha (trong đó 5 ha xây dựng khu phục vụ bệnh nhân, 3 ha làm nhà ở cho cán bộ nhân viên bệnh viện). Ông Nguyễn Văn Trang, cán bộ chính trị của bệnh viện Tiên Hưng và ông Lương Tú - cán bộ của bệnh viện được giao quản lý, theo dõi xây dựng bệnh viện. Việc thi công, Ủy ban hành chính tỉnh giao cho Ty xây dựng chịu trách nhiệm.
Ngày 01-6-1958, Bệnh viện được chuyển về cơ sở mới gồm mười một ngôi nhà với chín mươi mốt gian. Trong đó có ba ngôi nhà xây gạch, lợp ngói dành cho nhà mổ, nhà dược và nhà sản; các ngôi nhà khác còn lại làm bằng tranh tre, tường vách. Bố trí được 330 giường bệnh (chưa có khoa Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Xquang). Phòng khám bệnh vẫn ở khu nhà lá của bệnh viện F cũ.

Nhà mổ (xây dựng năm 1958)
Cuối năm 1959, đầu năm 1960, bệnh viện hoàn thành việc xây dựng nhà điện quang, nhà xét nghiệm, nhà xác, riêng nhà cho khoa Nhi quy mô 50 giường bệnh được xây bằng gạch, lợp ngói. Đến năm 1961, bệnh viện hoàn thành việc xây dựng bốn ngôi nhà hai tầng: Một nhà dành cho khoa Sản và ba chuyên khoa: mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt. Một nhà dành cho khoa Nội nhân dân, nội cán bộ. Một nhà hai tầng của khoa Lao bên đất khu tập thể, một nhà hai tầng khu khám bệnh đa khoa (chính thức đi vào hoạt động từ 01-6-1961).

Nhà hai tầng khu tập thể Bệnh viện (chụp tháng 8/2013) - nhà khoa Lao (1961)
Năm 1964, Ủy ban hành chính Tỉnh đã cấp kinh phí cho bệnh viện sửa lại toàn bộ những ngôi nhà tường làm bằng vách đất, trát vôi, lợp tranh thành nhà xây, lợp ngói, tạo điều kiện để bệnh viện phát triển đi lên theo hướng chính quy, hiện đại.

Khu nhà Dinh dưỡng, Thần kinh, Giải phẫu bệnh, Nhi (cũ)- ảnh chụp 1997
|

Nhà khoa Lý liệu pháp (sau là nhà TCCB) được xây dựng từ 1958- ảnh chụp 1997
|

Hội trường bệnh viện
|

Nhà Y vụ
|

Nhà khoa xét nghiệm Huyết học, Sinh hóa, Vi trùng – xây dựng năm 1958
|

Nhà hành chính quản trị - xây dựng năm 1958
|
Sau khi củng cố và hoàn thiện cơ sở vật chất, bệnh viện đầu tư trang thiết bị phục vụ bệnh nhân: Bộ phận vi sinh được trang bị thêm một tủ lạnh, một tủ sấy chạy điện, một máy li tâm, một bộ nuôi cấy vi trùng. Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức viện trợ không hoàn lại các gói thiết bị y tế gồm: bàn khám bệnh, bàn mổ, bàn đẻ, các dụng cụ xét nghiệm, tủ đựng thuốc, giường khám, dụng cụ pha chế huyết thanh, thuốc tiêm, thuốc uống thông thường và các dụng cụ kiểm nghiệm, nồi hấp, máy sấy. Ngoài ra Bộ Y tế còn trang bị xe ô tô cứu thương cho bệnh viện.
* Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ
Cùng với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác tổ chức bộ máy của bệnh viện cũng được chú trọng.
Tháng 01-1955 Y sĩ Hà Mai Tiếu được điều động làm quản đốc; ông Lý Tuân - cán bộ chính trị làm phó quản đốc. Tháng 6-1956 quản đốc Hà Mai Tiếu và phó quản đốc Lý Tuân được điều động đi giảm tô, cải cách ruộng đất, Bộ Y tế đã điều động bác sĩ Trần Văn Thừa về làm quản đốc bệnh viện; ông Nguyễn Trợ, cán bộ miền Nam tập kết về giữ chức phó quản đốc, phụ trách công tác Đảng.
Năm 1957-1958, bộ máy lãnh đạo bệnh viện có nhiều thay đổi, bác sĩ Trần Văn Thừa, quản đốc bệnh viện được điều động về Bộ Y tế, đồng thời Bộ điều động bác sĩ Nguyễn Thái Hải về thay. Đầu năm 1958, Bộ điều động và bổ nhiệm bác sĩ Trần Xương-chuyên khoa ngoại làm phó quản đốc bệnh viện, phụ trách chuyên môn. Giữa năm 1958, bác sĩ Nguyễn Thái Hải được điều động nhận nhiệm vụ mới, bác sĩ Trần Xương-Phó trưởng Ty y tế được bổ nhiệm quản đốc bệnh viện.
Năm 1955, bệnh viện được bổ sung một số cán bộ gồm: y sĩ Nguyễn Thản - phụ trách ngoại sản; y tá trưởng Đỗ Xuân Đài, Nguyễn Bá Hoè phụ trách phòng khám bệnh; nữ hộ sinh Phùng Thị Tùng Thiện, Hàn Thị Tuyết phụ trách phòng sản; y tá trưởng Giang Văn Bân phụ trách thống kê y vụ, các y tá điều trị gồm có: Nguyễn Văn Rang, Trần Toán Lý, Nguyễn Thị Hiến, Phạm Thị Tịnh, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Hảo, Trần Văn Cát, Bùi Văn Hiến; nhân viên xét nghiệm Dương Bách Tú; các nha tá có: Phạm Văn Dĩnh, Nguyễn Văn Rị; cấp phát thuốc có Dương Thị Hồng Hiến; nhân viên hành chính - kế toán gồm: Nguyễn Văn Tụ, Vũ Kế Sáng, Phạm Trọng Thiều, Vương Văn Vẩu và một số nhân viên phục vụ gồm: Phạm Văn Ngật, Ngô Hạnh Thoại, Phí Văn An, Vũ Văn Thái, Bùi Văn, Nguyễn Khắc Quyên, Nguyễn Văn Ơn.
Đến giữa năm 1956, Bệnh viện được bổ sung thêm 5 y sĩ gồm: Phạm Tiến Lãng, Trần Mộng Lê, Võ Tấn Phương, Nguyễn Văn Xê và nữ y sĩ Cảnh; các y tá gồm: Vũ Thị Bài, Đinh Thị Bắc, Đoàn Minh Chấp, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Đoan Trang và một số nhân viên phục vụ từ Bệnh viện F sang. Tổng số cán bộ nhân viên Bệnh viện thời điểm này có tám mươi hai người, trong đó có một bác sĩ, sáu y sĩ, hai mươi ba y tá, hai nữ hộ sinh trung cấp, bốn nữ hộ sinh sơ cấp, hai xét nghiệm viên, hai nha tá, hai dược tá (Dương Thị Hồng Hiến và Ngô Thị Thu).
Tổ chức của Bệnh viện lúc đó còn đơn giản: Bộ phận chuyên môn có khoa Ngoại, khoa Nội, khoa Sản, khoa Dược và Xét nghiệm. Cơ quan giúp việc có bộ phận Tổ chức hành chính quản trị bao gồm cả Tổ chức, hành chính, y vụ, tài vụ.
Năm 1959, Bộ Y tế đã bổ sung cho bệnh viện các bác sỹ đã được đào tạo chuyên khoa sâu: bác sĩ Đặng Đức Giang - chuyên khoa nội; bác sĩ Phan Kiểm - chuyên khoa mắt; bác sĩ Nguyễn Tấn Minh - chuyên khoa nhi; bác sĩ Đỗ Mạnh Tuân - chuyên khoa ngoại; bác sỹ Đỗ Đức Thọ - chuyên khoa giải phẫu bệnh; bác sỹ Trần Văn Đoàn chuyên khoa Lây.
Đến năm 1962, bổ sung thêm bác sĩ Phạm Xuân Tiêu - chuyên khoa sản; bác sĩ Hoàng Xương - chuyên khoa điện quang; bác sĩ Nguyễn Hữu Thêm - chuyên khoa mắt; bác sĩ Võ Văn Chương chuyên khoa Răng hàm mặt; bác sĩ Đào Xuân Tuệ chuyên khoa Tai mũi họng; bác sĩ Nguyễn Xuân Thiều - chuyên khoa sinh hóa; bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thu - chuyên khoa nhi; bác sỹ Đào Xuân Tích, bác sĩ Trần Quy Nhơn - chuyên khoa chấn thương; bác sĩ Nguyễn Liên Hợp – chuyên khoa Nhi.
Năm 1965, bổ sung thêm bác sĩ Vũ Thân - chuyên khoa gây mê hồi sức; bác sĩ Nguyễn Phúc Lập - chuyên khoa tâm thần kinh; bác sĩ Lê Hồng Chương - chuyên khoa da liễu; bác sĩ Mai Thị Cúc - chuyên khoa Đông y. Riêng khoa Dược, Bộ Y tế bổ sung các dược sĩ đại học: Phạm Văn Các, Phạm Cao Viên, Đoàn Hữu Khương, Phan Thị Thu Quỳ.
Đến năm 1965, số cán bộ, nhân viên bệnh viện có 256 người. Trong đó có 19 bác sĩ, 43 y sĩ, 61 y tá, 07 nữ hộ sinh, 04 xét nghiệm viên, 01 lương y, 02 dược sỹ đại học, 04 dược sĩ trung học, 04 dược tá, 02 nha tá, 54 hộ lý và 55 cán bộ hành chính nghiệp vụ.
Sau khi được Bộ Y tế bổ sung các bác sỹ thì tổ chức bộ máy của bệnh viện ngày càng hoàn thiện. Bệnh viện thành lập được nhiều khoa, phòng mới:
Năm 1960 bệnh viện thành lập thêm các khoa Xquang, khoa Mắt, khoa Tai Mũi Họng, khoa Răng Hàm Mặt, khoa Sinh hóa. Năm 1962, khoa Tâm thần kinh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Năm 1964, bệnh viện mở thêm khoa đông y, khoa lý liệu pháp, khoa Giải phẫu bệnh.
Đến những năm 1964 - 1965 bệnh viện đã có mười ba khoa lâm sàng, sáu khoa cận lâm sàng, ba phòng ban theo quy định của Bộ Y tế: Khoa Nội cán bộ và nhân dân, khoa Ngoại chấn thương, khoa Sản, khoa Lây, khoa Lao, khoa Tâm thần kinh, khoa Nhi, khoa Mắt, khoa Tai mũi họng, khoa Răng hàm mặt, khoa Khám bệnh, khoa Đông y, khoa Lý liệu pháp.
Các khoa cận lâm sàng: khoa Sinh hóa, Khoa huyết học-vi sinh, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Xquang, khoa Dược.
Các phòng ban chức năng: Phòng Tổ chức hành chính, phòng Tài chính kế toán, phòng Y vụ.
Từ 1960-1962, các khoa xét nghiệm có sự thay đổi tách ra, nhập vào do cán bộ chuyển công tác: năm 1960 thành lập khoa Sinh hóa, dược sỹ Đinh Nhất Toại được bổ nhiệm trưởng khoa, sau đó chuyển công tác, y sỹ Nguyên Thanh xét nghiệm huyết học chuyển về Hà Nội. Do vậy đến năm 1962 các bộ phận xét nghiệm sáp nhập lại thành khoa xét nghiệm chung gồm bộ phận huyết học truyền máu, sinh hóa, vi trùng do bác sỹ Nguyễn Xuân Thiều làm trưởng khoa.
Năm 1963, trạm Vệ sinh phòng dịch thành lập nhưng chưa có trụ sở nên để tạo điều kiện cho trạm Vệ sinh phòng dịch hoạt động, tập trung các trang thiết bị kỹ thuật, bệnh viện đã dành một khu vực gồm: ba gian nhà gạch để làm kho, nơi nuôi cấy vi trùng, đốt lò khử trùng và tám gian nhà tranh của bệnh viện để làm văn phòng, làm phòng xét nghiệm hoá học, phòng xét nghiệm ký sinh trùng, phòng sản xuất môi trường nuôi cấy vi trùng, phòng sấy hấp dụng cụ.
Trạm đã giúp bệnh viện thực hiện các xét nghiệm về vi sinh. Việc kết hợp giữa bệnh viện và trạm ngày càng chặt chẽ, kịp thời phát hiện các loại dịch xảy ra khi các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển đến bệnh viện từ đó công tác phòng chống dịch được kịp thời.
* Hoạt động khám chữa bệnh
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, các hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện luôn được đảm bảo. Đặc biệt, bệnh viện còn phục vụ tốt các nhiệm vụ đột xuất của tỉnh. Năm 1958, bệnh viện vinh dự được Ủy ban hành chính tỉnh, Ty y tế giao cho phục vụ trên 4 vạn đại biểu của huyện, thị trong tỉnh đón Hồ chủ tịch về thăm Thái Bình tại sân vận động thị xã từ chiều tối ngày 25, sáng ngày 26-10-1958. Với sự chuẩn bị chu đáo, có các trang thiết bị của Cộng hòa Liên bang Đức, Trung Quốc, Liên Xô và Bộ Y tế trang bị nên khi có sự cố xảy ra Bệnh viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ 1960-1965 sau khi chuyển về cơ sở mới, bệnh viện thành lập thêm nhiều khoa phòng và quy mô giường bệnh ngày càng tăng: năm 1960, bệnh viện có 350 giường (khoa Nội: 130 giường, khoa Ngoại: 60 giường, khoa Sản: 35 giường, khoa Nhi: 50 giường, khoa Lao: 20 giường, khoa Mắt: 20 giường, Khoa TMH: 10 giường, khoa Lây: 25 giường. Riêng khoa Răng - Hàm - Mặt chủ yếu điều trị ngoại trú chưa có giường nội trú). Năm 1964, tổng số giường bệnh tăng từ 350 giường lên 400 giường. Năm 1965 số giường bệnh tăng lên 420 giường (khoa Nội cán bộ và nhân dân có 95 giường. Khoa Ngoại chấn thương có 80 giường. Khoa Sản có 40 giường. Khoa lây: 40 giường. Khoa Lao: 25 giường. Khoa tâm thần kinh 20 giường. Khoa Nhi: 80 giường. Khoa Mắt: 20 giường. Khoa Tai mũi họng: 15 giường. Khoa Răng hàm mặt: 05 giường. Khoa Khám bệnh đa khoa, khoa Đông Y, khoa Lý liệu pháp).
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất và cán bộ, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị được hầu hết các bệnh lý nội, ngoại và chuyên khoa:
Các bệnh nội khoa: chẩn đoán được các bệnh van tim, suy tim, thần kinh tim, huyết áp, các bệnh đường hô hấp ( viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi), bệnh đường tiết niệu, các bệnh sỏi thận, viêm cầu thận cấp, thận mãn, thận nhiễm mỡ, các bệnh đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày tá tràng, viêm ruột thừa, tắc ruột, lồng ruột, áp xe gan, viêm gan, bệnh xơ gan cổ trướng). Các bệnh truyền nhiễm (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt trẻ em, viêm màng não mủ), các bệnh ung thư, các bệnh loạn thần, đau thần kinh tọa.
Các bệnh về chuyên khoa, đã điều trị bệnh mắt hột và các biến chứng, bệnh của màng tiếp hợp, bệnh của giác mạc, củng mạc, thiên đầu thống, mộng mắt, sang chấn mắt. Các bệnh về mũi và hốc mũi, các bệnh họng, amidan, tai và xương chũm, các bệnh thanh hầu, thanh quản, chữa các bệnh về răng: nha chu viêm, răng sâu, tụt lợi, răng số 8 mọc lệch, các bệnh ngoài da, hoa liễu, lậu, giang mai.
Về ngoại khoa, chấn thương: ca mổ ruột thừa đầu tiên năm 1958 do bác sỹ Nguyễn Thái Hải giám đốc bệnh viện thực hiện đã thành công mang lại dấu ấn cho Bệnh viện, các phẫu thuật ngoại khoa chấn thương ngày một phát triển. khoa ngoại, chấn thương đã xử lý được các vết thương phần mềm, gẫy xương. Năm 1960, mổ đại phẫu 532 ca (tử vong 19 ca, tỷ lệ tử vong 3,07%), tiểu phẫu 2.499 ca. Năm 1961, mổ đại phẫu 669 ca (tử vong 54 ca). Năm 1964, mổ 1092 ca tăng 340 ca so với năm 1963. Tỉ lệ tử vong phẫu thuật 6,2%.
Khoa Sản năm 1960, khám thai 8.174 ca, điều trị 2.421 các trường hợp sẩy thai, đẻ thiếu tháng, đẻ khó. Từ năm 1960 trở về trước xử lý các ca đẻ khó chủ yếu là dùng Forcefs, xoay thai; thai chết lưu thì chọc sọ, cắt thai nhi. Đến năm 1961, mổ lấy thai nhi 67 ca. Từ năm 1963, mổ ung thư rau cắt tử cung, triệt sản, hút thai, chụp tử cung. Tổ chức phòng dưỡng nhi, nuôi trẻ thiếu tháng trong hai năm (1963 – 1964) đã nuôi 203 cháu từ 1,1 kg đến 1,7kg, các cháu đều khỏe và xuất viện.
Khoa Tai mũi họng năm 1961, khám 5.023 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú 543 bệnh nhân. Năm 1963, điều trị nội trú 896 bệnh nhân, phẫu thuật được 363 ca. Năm 1964 điều trị nội trú 1.067 bệnh nhân, phẫu thuật 916 ca.
Khoa Mắt năm 1961 khám 1.045 bệnh nhân, điều trị ngoại trú 3.231 bệnh nhân và điều trị nội trú 437 bệnh nhân.
Khoa Răng hàm mặt năm 1961 khám 5.010 bệnh nhân, điều trị ngoại trú 4.222 bệnh nhân.
Năm 1960, bệnh viện đã khám được 76.275 lượt bệnh nhân, điều trị ngoại trú 109.302 bệnh nhân, số lần phát thuốc 273.884 lần, điều trị nội trú 16.021 bệnh nhân.
Năm 1961, điều trị nội trú 21.359 bệnh nhân. Trong đó nội cán bộ 1.858 bệnh nhân, nội nhân dân 4.424 bệnh nhân, Nhi 6.419 bệnh nhân, Sản 2.447 bệnh nhân, mắt 628 bệnh nhân, tai mũi họng 528 bệnh nhân, khoa Lao 572 bệnh nhân, khoa Lây 1.324 bệnh nhân, hậu phẫu 548 bệnh nhân, khoa ngoại 2.617 bệnh nhân.
Năm 1961 số tiêu bản xét nghiệm đã thực hiện 290.768 tiêu bản. Trong đó Huyết học, Vi trùng thực hiện 21.050 tiêu bản (xét nghiệm máu 8.351 tiêu bản, đờm 2.234 tiêu bản, phân 2.357 tiêu bản, nước tiểu 1.347 tiêu bản, những phương pháp khác 6.710 tiêu bản). Sinh hóa thực hiện 8.718 tiêu bản (trong đó: máu 1.297, nước tiểu 5.828, phương pháp khác 1.583). Chiếu chụp điện: số người chiếu 10.218, số lần chụp 11.541, số người chụp 591 (trong đó phổi 172, dạ dày 78, các thứ khác 497).
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Từ năm 1961 – 1964, khoa Dược của bệnh viện được mở rộng, ngoài các dược sỹ đại học còn tuyển thêm các lương y như ông Trần Xuân Điểu, ông Nguyễn Đăng Thập là những lương y giỏi bắt mạch kê đơn, giỏi cả về thuốc nam, cao đơn hoàn tán đã sản xuất chế biến thuốc phục vụ bệnh nhân trong toàn viện đưa tổng số tiền thuốc đông y dùng cho bệnh nhân chiếm 30% tổng số tiền thuốc dùng cho bệnh nhân trong toàn viện. Bệnh viện còn có vườn thuốc mẫu để hướng dẫn các thầy thuốc Tây y và nhân dân đến khám chữa bệnh hiểu về giá trị của thuốc Nam trong phòng, chữa bệnh. Ngoài ra, khoa Dược còn pha chế được các loại dịch truyền, các loại thuốc tiêm thông thường, thuốc uống, thuốc dùng ngoài da.
Để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện đã mở nhiều hội nghị đẩy mạnh giáo dục chính trị, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh, đội ngũ y bác sĩ không quản sớm tối, luôn hết lòng vì người bệnh. Điển hình như chị Tuyết - hộ lý phòng dưỡng nhi đã coi con của bệnh nhân như con mình, chị sẵn sàng mang một cháu bé mẹ còn đang nằm trong phòng mổ về nhà nuôi, lấy sữa của mình nuôi các cháu sinh thiếu tháng. Chị Tâm ở khoa Lao có những đêm không ngủ, không nề hà lấy thân mình làm chỗ dựa cho bệnh nhân lao khó thở, tay cầm ống nhổ cho bệnh nhân. Nhiều các y bác sỹ, y tá, hộ lý thức thâu đêm đến sáng, không rời người bệnh, theo dõi sát sao từng mạch đập, nghe tiếng hơi thở của bệnh nhân. Bác sĩ Đỗ Mạnh Tuân, y tá Len, dược tá Liên nhiều lần hiến máu cứu người. Y tá Thuỷ, Tuyết, Liễu bốn ngày đêm liên tục hà hơi, thổi ngạt cứu sống một em bé mới sinh và còn biết bao các trường hợp bệnh nhân nguy kịch được cứu sống. Cảm động trước tinh thần tận tuỵ cứu chữa bệnh nhân, nhiều gia đình đã tâm sự: "Đảng đã mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi".
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện Thái Bình ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Không chỉ có uy tín trong tỉnh, các bệnh nhân ở tỉnh ngoài như Vĩnh Bảo - Hải Phòng và một số huyện ven biển của tỉnh Nam Định cũng về đây điều trị.
Ngoài ra, bệnh viện còn là nơi hướng dẫn thực hành cho học sinh Trường y sĩ của Bộ y tế đặt tại Thái Bình để đào tạo y sĩ cho các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Nam Định và các lưu học sinh của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Nổi bật việc kết hợp viện trường, bác sỹ Trần Xương, giám đốc bệnh viện kiêm hiệu trưởng nhà trường. Từ 1960 – 1967 chủ nhiệm các khoa của Bệnh viện là phó chủ nhiệm bộ môn giảng dạy của nhà trường. Các giáo viên nhà trường sang bệnh viện giảng dạy đều được phân công điều trị một số giường bệnh nhân, tham gia trực, hưởng các chế độ quy định của Bộ y tế. Cán bộ của Bệnh viện được phân công giảng dạy lý thuyết, lâm sàng cho học sinh đến thực tập, hưởng quyền lợi như cán bộ nhà trường. Y bác sỹ nhà trường và Y bác sỹ Bệnh viện mỗi tháng tham gia sinh hoạt khoa học một kỳ, y tá, hộ lý Bệnh viện mỗi tuần đều có một tiết học về chuyên môn để nâng chất lượng phục vụ bệnh nhân, hàng năm còn kết hợp ra tập san y học viện trường.
Đến năm 1966 đã tham gia đào tạo 605 y sỹ. Trong đó có 65 y sỹ cho nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, 108 y sỹ theo chỉ tiêu của quân đội, 47 y sỹ chi viện cho chiến trường miền Nam, và hàng trăm y sỹ các hệ chính quy, hệ chuyên tu và y sỹ xã, có 34 đề tài nghiên cứu khoa học.
Với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, Ty Y tế, sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công nhân viên Bệnh viện, năm 1963 Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch và đoàm cán bộ của bộ đã về thăm và động viên cán bộ nhân viên Bệnh viện.

Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh viện Thái Bình năm 1963.
(người đứng thứ hai bên phải)
3.1.2. Bệnh viện Thái Bình trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968)
Ngày 05 - 8 - 1964, đế quốc Mỹ đã leo thang dùng không quân đánh phá miền Bắc nước ta. Đảng, Chính phủ đã xác định ngành y tế là một đơn vị trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 25 - 2 - 1965 Bộ y tế có chỉ thị số 12/BYT quy định "Tất cả các cơ sở y tế phải sơ tán cán bộ, giường bệnh của bệnh viện tuyến tỉnh về các huyện để tạo ra một mạng lưới y tế rộng khắp trong toàn tỉnh, vừa bảo toàn lực lượng, vừa kịp thời cấp cứu phòng không. Theo sự phân cấp kỹ thuật, trạm y tế xã làm nhiệm vụ cấp cứu tuyến I, bệnh viện huyện làm cấp cứu tuyến II, bệnh viện tỉnh làm cấp cứu tuyến III. Đồng thời phải thực hiện ngoại khoa hóa cán bộ, bệnh viện đã khẩn trương mở các lớp đào tạo ngoại khoa chấn thương cho 44 bác sỹ và 22 kỹ thuật viên truyền máu.
Ngày 13-7-1965, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 387/TC-DC điều chỉnh và bổ sung cán bộ, giường bệnh của bệnh viện tỉnh cho các huyện: Kiến Xương, Đông Quan, Duyên Hà, Quỳnh Côi, Thư Trì, Vũ Tiên, Thị xã, mỗi huyện 50 giường, riêng Thị xã 30 giường gọi chung là bệnh xá. Bệnh viện tỉnh 140 giường kể cả giường khoa Lao; giường điều dưỡng cán bộ và 140 cán bộ công nhân viên, trong đó có 14 bác sĩ, 20 y sĩ, 28 y tá, 02 nữ hộ sinh, 02 xét nghiệm viên, 01 lương y, 01 dược sỹ đại học, 02 dược tá, 02 dược sĩ trung cấp, 02 nha tá, 30 cán bộ hành chính và nghiệp vụ, 27 hộ lý.
Bệnh viện Tỉnh sơ tán về hai xã Đông Xuân và Đông Quang, huyện Đông Quan trên trục đường 10 hướng đi Hải Phòng, cách thị xã khoảng 9- 10km. Ở xã Đông Xuân có ban lãnh đạo bệnh viện gồm các đồng chí: bác sỹ Trần Xương giám đốc Bệnh viện, bác sỹ Phạm Tiến Lãng phó giám đốc, ông Quách Đình Kiêm ( Hồng) phó giám đốc – bí thư Đảng ủy. Các khoa gồm: Khoa Ngoại - Sản - Chấn thương có bác sỹ Nguyễn Thản trưởng khoa Ngoại, bác sỹ Phạm Xuân Tiêu trưởng khoa Sản, bác sỹ Đào Xuân Tích trưởng khoa chấn thương. Phòng mổ có bác sỹ Vũ Thân, y sỹ Nguyễn Văn Đắc. Khoa khám bệnh có bác sỹ Lê Như Xuân trưởng khoa. Khoa giải phẫu có bác sỹ Đỗ Đức Thọ trưởng khoa. Khoa xét nghiệm sinh hóa, huyết học có bác sỹ Nguyễn Xuân Thiều trưởng khoa. Khoa Dược có dược sỹ đại học Trần Văn Khiết trưởng khoa.
Phòng mổ đặt ở trạm xá xã Đông Xuân là ngôi nhà của địa chủ cũ bố trí được hai phòng mổ: hữu trùng và vô trùng. Phòng đẻ dựa vào đình làng thôn Lê Lợi, phòng khám bệnh đặt ở đình thôn Ký Con. Khoa giải phẫu bệnh đặt ở chợ Nội. Khoa xét nghiệm sinh hóa, huyết học đặt ở trung tâm ở thôn Lê Lợi. Cán bộ nhân viên chia nhỏ đi các khoa lâm sàng để thuận tiện lấy bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm. Khoa Dược làm nhà riêng bằng tranh tre trát vách, vừa sản xuất huyết thanh, các loại thuốc thông thường vừa cấp thuốc.

Trạm Y tế xã Đông Xuân ngày nay - nơi bệnh viện sơ tán năm 1965.
Bên xã Đông Quang tại thôn Cộng Hòa, thôn Tô Hiệu đặt các khoa: nội, nhi, lây, ba chuyên khoa: Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt; Đông y và các phòng: y vụ, tổ chức, hành chính quản trị, tài vụ. Khoa Nội gồm bác sỹ Phạm Ngọc Dung – phó trưởng khoa phụ trách, các bác sỹ Hồ Minh, Nguyễn Thị Tuyết Minh phó trưởng khoa. Khoa Lây có bác sỹ Trần Hữu Đoàn, khoa Nhi có bác sỹ Nguyễn Liên Hợp. Khoa Tai mũi họng có bác sỹ Đào Xuân Tuệ, khoa răng hàm mặt có bác sỹ Võ Văn Chương trưởng khoa. Khoa Đông y do lương y Trần Xuân Điểu trưởng khoa, bác sỹ Mai Thị Cúc phó trưởng khoa.
.jpg)
Trạm y tế xã Đông Quang - nơi Bệnh viện sơ tán năm 1965
Khoa tâm thần kinh ở Đình thôn Tống Khê xã Đông Hoàng do y sỹ Phạm Quý Vỹ phụ trách, cán bộ có các đồng chí: Hiệp, Báu, Y. Khoa Lao sơ tán về thôn Bi xã Tân Hòa, huyện Thư Trì cơ sở đưa vào nhà kho hợp tác xã nông nghiệp do bác sỹ: Phạm Văn Rụy và bác sỹ Khôi chuyên khoa phụ trách.
Khoa X - Quang đặt ở miếu thôn Lịch Đông xã Đông Các, huyện Đông Quan, cách xã Đông Xuân khoảng 2km do y sỹ Phạm Văn Hiều, y sỹ Đỗ Thám Hoa phụ trách. Ở đây phải chạy máy nổ 15KVA do đồng chí Lưu thợ điện phụ trách. Khoa điều dưỡng cán bộ sơ tán về xã Lô Giang, Tiên Hưng làm nhà tranh tre, lợp lá trên bờ sông Tiên Hưng do bác sỹ Đặng Đức Giang – trưởng khoa Nội phụ trách.
Để phục vụ cấp cứu phòng không theo quy định của ngành y tế bệnh viện đã thành lập hai đội cấp cứu tuyến bốn, bốn đội cấp cứu tuyến ba, mỗi khoa điều trị một đội cấp cứu tuyến hai. Tất cả cán bộ công nhân viên bệnh viện mỗi người phải có túi cấp cứu cá nhân. Có nhiều lần địch đánh phá, máy bay vẫn còn bay lượn trên bầu trời, xe cứu thương đã chở đội cấp cứu lên đường để cấp cứu bệnh nhân.
Đầu năm 1967, địch đánh phá nhiều hơn, để tăng cường cho hoạt động ngoại khoa chấn thương, UBND tỉnh, Ty Y tế đã quyết định điều động bác sỹ Nguyễn Quang Lung đang công tác tại trường y sỹ về tăng cường cho bệnh viện và đề bạt giữ chức vụ phó giám đốc bệnh viện làm trưởng khoa Ngoại. Bác sỹ Nguyễn Thản trưởng khoa Ngoại tăng cường cho bệnh viện Thái Ninh, một huyện ven biển bị địch đánh phá nhiều.
Từ tháng 8 đến tháng 12 - 1965, tất cả các tỉnh trên địa bàn Quân khu Ba đều bị đế quốc Mỹ bắn phá. Ngày 13-8-1965, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Thái Bình. Mục tiêu đánh phá gồm cả quân sự, chính trị, kinh tế, nhất là hệ thống đê điều, cầu cống, công trình thủy lợi nhằm phá hoại nền nông nghiệp, triệt nguồn lương thực, gây khó khăn cho đời sống nhân dân, chặn sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Đến hết tháng 12-1965, không quân Mỹ đã đánh Thái Bình 20 trận, làm chết 35 người, bị thương 43 người. Năm 1966, máy bay Mỹ đánh Thái Bình trong 114 ngày với 704 lần chiếc. Số trận đánh nhiều nhất và ác liệt nhất là năm 1967 với 653 trận. Số người bị thương do bom đạn mỗi ngày một tăng. Bệnh viện ở nơi sơ tán chật chội, thiếu thốn về mọi mặt.
Trước tình hình đó, năm 1967, Đảng, Chính phủ và Bộ y tế đã đề nghị Chính phủ Bungari giúp đỡ Bệnh viện tỉnh Thái Bình. Giữa năm 1967, Chính phủ Bungari đã uỷ nhiệm cho ông Vụ trưởng vụ điều trị của Bộ y tế Bungari sang làm việc tại Việt Nam và viện trợ không hoàn lại 500.000 Lêva (tương đương với 1.750.000 Việt Nam đồng) giúp Thái Bình xây dựng bệnh viện dã chiến 250 giường bệnh.
Ngay sau đó, Bệnh viện dã chiến được triển khai xây dựng tại xã An Đình, huyện Duyên Hà nay là huyện Hưng Hà. Ngày 30-7-1967, Uỷ ban hành chính tỉnh đã có Quyết định số 644-TC/DC thành lập ban kiến thiết bệnh viện dã chiến do ông Nguyễn Trợ - Phó hiệu trưởng Trường y sĩ về làm Trưởng ban kiến thiết. Công việc xây dựng được tiến hành khẩn trương, các công trình là nhà cấp bốn làm bằng tranh tre, trát vách, lợp lá. Công trình đang đi vào giai đoạn hoàn thiện thì năm 1968, trận bão số 4 và số 7 đã làm toàn bộ nhà cấp bốn bị sập, kể cả những nhà cấp bốn ở xã Đông Xuân và Đông Quang cũng đều bị đổ không thể sử dụng được. Cũng vào thời điểm đó, hàng viện trợ của Bungari đang trên đường chuyển đến bệnh viện. Để kịp thời tiếp nhận hàng viện trợ, Tỉnh ủy, Uỷ ban hành chính tỉnh và Ty y tế đã quyết định cho bệnh viện chuyển từ xã Đông Xuân, Đông Quang về bệnh viện và trường cấp III huyện Quỳnh Côi. Thời gian di chuyển bắt đầu từ ngày 17-7 đến ngày 1-8-1968. Riêng khoa Đông Y ở lại xã Đông Quang; khoa Lao ở lại xã Tân Hòa, huyện Thư Trì; khoa Thần kinh chuyển về xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Côi; khoa Điện quang chuyển về gần trại chăn nuôi của huyện Quỳnh Côi.

Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ - nơi bệnh viện sơ tán năm 1968 – 1969
|

Trường phổ thông trung học Quỳnh Côi - nơi bệnh viện sơ tán năm 1968 – 1969
|
Ngày 25-5-1968 bệnh viện đã nhận được chuyến hàng đầu tiên do ông Quách Đình Kiêm - Phó giám đốc, Bí thư Đảng uỷ; bác sĩ Cao Hoàng Kim và ông Nguyễn Văn Đắc nhận tại Hải Phòng gồm: 400 tấn xi măng, 10.000kg gỗ dán, 150 kiện vải thô.
Ngày 28-10-1968 bệnh viện nhận chuyến hàng thứ hai tại cảng Hải Phòng do bác sĩ Phạm Tiến Lãng – Phó giám đốc cùng một số cán bộ nhận gồm: 1.581 kiện hàng, 2 ô tô cấp cứu (trong đó có 01 xe gát, 01 xe volga), 270 chiếc giường lò xo, đệm, ga trải giường, 377 loại hoá chất, thuốc chữa bệnh, 93 khoản phụ kiện xe máy, 17.000 mét vải, máy X - Quang, tủ lạnh, tủ sấy và 446 máy móc khác.
Ngày 04-8-1969 bệnh viện nhận chuyến hàng thứ 3 gồm: Đồ sứ 250 kiện, Ôxi phông 11 kiện, Bể chứa nước 2 kiện, Cramphoaessolation 7 kiện, Dây cáp điện 28 kiện , Dụng cụ điện 1 kiện, Kính tấm 128 kiện, Ống dẫn nước 69km .
Ngày 31-12-1968, tại nơi sơ tán ở thị trấn Quỳnh Côi bà Sililalo Deve - Thứ trưởng Bộ y tế Bungari đến thăm và trao tặng hàng viện trợ cho Bệnh viện Thái Bình là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Bungari đồng thời đặt nền móng cho sự hình thành Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Bungari tỉnh Thái Bình.
3.1.3.Hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể
Cùng với hoạt động chuyên môn, Bệnh viện còn chú trọng công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể.
* Công tác Đảng: Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bệnh viện F của Bộ y tế sáp nhập vào Bệnh viện Thái Bình, số đảng viên của bệnh viện tăng lên. Được sự đồng ý của cấp ủy, tháng 7-1957, chi bộ đảng của bệnh viện chính thức được thành lập với tổng số 27 đảng viên. Đồng chí Nguyễn Văn Trợ được bầu làm Bí thư chi bộ; đồng chí Phạm Tiến Lãng được bầu làm Phó bí thư.
Năm 1960, đồng chí Nguyễn Văn Trợ chuyển sang hiệu phó trường Y sỹ của Bộ, đồng chí Nguyễn Văn Lờ được điều về bổ nhiệm làm phó giám đốc bệnh viện, được bầu làm bí thư chi bộ.
Năm 1962 số Đảng viên của Bệnh viện tăng lên 52 người. Đảng ủy cấp trên cho Bệnh viện thành lập Đảng bộ Bệnh viện. Đồng chí Nguyễn Văn Lờ được bầu làm bí thư, đồng chí Phạm Tiến Lãng phó bí thư.
Năm 1964 Đảng bộ Bệnh viện có 80 đảng viên chia làm 5 chi bộ (chi bộ phòng Khám bệnh, chi bộ Hệ nội, chi bộ Hệ ngoại, chi bộ Cận lâm sàng, chi bộ phòng ban).
Năm 1965, đồng chí Nguyễn Văn Lờ được điều vào công tác ở Trung ương cục miền Nam, đồng chí Quách Đình Kiêm được điều động và bổ nhiệm làm phó giám đốc – bí thư Đảng ủy bệnh viện.
Từ cuối 1965 – 1969, đồng chí Phạm Tiến Lãng, phó bí thư tiếp đến là đồng chí Phạm Văn Kính phó bí thư Đảng Ủy. Đảng bộ Bệnh viện lúc này có 87 đảng viên.
Năm 1957, hoàn thành công tác sửa sai và cũng là năm kết thúc kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, chi bộ đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, ổn định tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ y bác sĩ. Các đồng chí chi ủy viên của chi bộ tham gia học tập tại Trường Đảng của tỉnh với các nội dung: văn kiện Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân Mátxcơva; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng; tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Trong đợt Đảng bộ tổ chức học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, chi bộ đã có 100% đảng viên tham gia học tập. Cuối năm 1959, chi bộ đã tiến hành chỉnh huấn chính trị cho các đảng viên. Qua chỉnh huấn, lập trường tư tưởng của cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm đối với người bệnh được tăng cường.
Song song với việc giáo dục chính trị tư tưởng, chi bộ còn chú trọng công tác kiện toàn tổ chức. Các chi ủy viên và đảng viên trong Đảng bộ được phân công phụ trách các khoa, phòng chuyên môn, công tác đoàn thể. Chi bộ ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng đội ngũ y bác sỹ cho bệnh viện.
* Tổ chức công đoàn: Công đoàn bệnh viện được thành lập từ 1957. Lúc đầu công đoàn Bệnh viện trực thuộc liên hiệp công đoàn tỉnh. Chi bộ Bệnh viện cử ông Nguyễn Văn Trang làm thư ký công đoàn.
Đến năm 1960 thành lập công đoàn ngành y tế từ đó công đoàn Bệnh viện trực thuộc công đoàn ngành.
Từ năm 1961 đến năm 1964 ông Đoàn Ư Tư là thư ký công đoàn.
Từ năm 1965 – 1969, ông Nguyễn Bá Trúc, cán bộ chuyên trách làm thư ký công đoàn bệnh viện.
Là một tổ chức với đông đảo đoàn viên tham gia, công đoàn bệnh viện đã tích cực hưởng ứng, phát động các phong trào thi đua của tỉnh, của ngành. Điển hình như phong trào sạch đẹp với khẩu hiệu “Đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”; phong trào ba nhẹ: “nói nhẹ, đi nhẹ, làm nhẹ”; phong trào thi đua thao diễn và cải tiến kỹ thuật; phong trào bốn như: "Thương trẻ như cô Tuyết, tận tình với người bệnh như chị Tâm, chịu đựng gian khổ như chị Nhâm hộ lý, kiên trì cứu chữa người bệnh như bác sỹ Hợp”.
Năm 1961, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Dưới sự chỉ đạo của Ty Y tế, Công đoàn bệnh viện đã tổ chức hội nghị công nhân viên chức để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch; đăng ký 224 đề tài khoa học, phát huy được 398 sáng kiến cải tiến và sửa chữa 688 bất hợp lý trong công tác của bệnh viện. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến ở bệnh viện. Tinh thần lao động và lề lối làm việc trong cán bộ, đoàn viên có những tiến bộ rõ rệt. Bệnh viện Thái Bình vinh dự được đón nhận danh hiệu đơn vị tiên tiến; có 16 cán bộ, y bác sĩ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, 105 lao động tiên tiến.
* Đoàn thanh niên: Ngay sau khi tổ chức Đảng của bệnh viện được thành lập, chi bộ đã cử các đồng chí Đảng viên phụ trách công tác thanh niên. Đoàn Thanh niên bệnh viện thành lập từ năm 1959 do bác sĩ Hồ Minh, uỷ viên Ban chấp hành đoàn dân chính tỉnh làm Bí thư. Sau khi đồng chí Hồ Minh đi phục vụ chiến trường miền Nam, đồng chí Trần Văn Khiết được bầu làm bí thư đoàn từ năm 1966 – 1967, tiếp đến đồng chí Nguyễn Thị Len bí thư Đoàn từ 1967 – 1970.
Đoàn luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động công tác và các phong trào thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa. Phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn bệnh viện trong việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo. Cụ thể, mỗi đoàn viên thanh niên đi sâu nghiên cứu phần việc của mình, nâng cao chất lượng điều trị để phục vụ người bệnh ở mức cao nhất. Từ đó, tạo bước chuyển biến lớn về tư tưởng trong thanh niên, động viên thanh niên đem hết khả năng của mình, cống hiến tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Nhiều cán bộ Đoàn viên thanh niên đã lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Báo Thái Bình số ra ngày 16 tháng 9 năm 1970 đã đăng bài về đoàn viên Nguyễn Thị Hồng Len phấn đấu trở thành Đảng viên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn Nguyễn Thị Hồng Len còn đảm nhiệm chức vụ bí thư Đoàn thanh niên Bệnh viện, giữ vững danh hiệu Đoàn viên bốn tốt, bốn năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Đồng chí Hồ Minh-bí thư Đoàn bệnh viện được cử đi dự đại hội Thanh niên ba sẵn sàng do trung ương đoàn tổ chức.
* Đội tự vệ: Đội tự vệ bệnh viện do đồng chí Phạm Quang Thiệu làm đại đội trưởng, đồng chí Bùi Văn Sầm là đại đội phó, đồng chí Nguyễn Thanh Lịch là chính trị viên. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, lực lượng tự vệ hàng năm đều được luyện tập quân sự theo chương trình của Thị đội Thái Bình. Tự vệ bệnh viện thường xuyên là lực lượng nòng cốt xung kích trong việc phòng chống lụt bão và canh gác bảo vệ cơ quan.
3.1.4. Bệnh viện Thái Bình với phong trào thi đua yêu nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phần lớn cán bộ nam tham gia chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, do vậy, cán bộ nhân viên bệnh viện từ y bác sỹ đến nhân viên phục vụ, lực lượng nữ chiếm tới 80%. Đảng bộ, công đoàn bệnh viện đã phát động phong trào phụ nữ ba đảm đang trong lực lượng cán bộ nữ như: xây dựng các khoa phòng ba đảm đang. Mặc dù bận nhiều công việc gia đình nhưng chị em không quản khó khăn, vất vả vẫn tích cực phục vụ bệnh nhân ở nơi sơ tán cả ngày lẫn đêm. Kể cả khi giặc Mỹ ném bom bắn phá ở các vùng lân cận, có lệnh điều động là các đội cấp cứu lên đường đến hiện trường để sơ cứu, phân loại các vết thương chiến tranh một cách kịp thời. Ở phòng mổ, khi có nhiều người bị thương, bệnh viện phải phẫu thuật suốt cả đêm hết ca này đến ca khác, cán bộ nhân viên rất mệt mỏi nhưng chị em vẫn làm việc rất hăng say với tinh thần tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược (ví dụ như: chị Tô Thị Nguyệt y tá nhà mổ khi mệt quá lịm đi, lúc tỉnh dậy lại tiếp tục phục vụ).
Khi Bộ Y tế tổ chức hội nghị biểu dương phụ nữ ba đảm đang của toàn ngành các tỉnh phía Bắc tại Hải Dương, bác sỹ Nguyễn Thị Quý khoa Nội, bác sỹ Mai Thị Cúc khoa Đông y được cử đi dự hội nghị. Bác sỹ Mai Thị Cúc được báo cáo điển hình về tinh thần phấn đấu của phụ nữ ngành Y tế tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển tạo không khí sôi nổi trong bệnh viện. Đội bóng chuyền nữ Bệnh viện bốn năm liền là đội bóng vô địch của các đội bóng nữ trong toàn tỉnh.
Ngày 03-4-1965 Báo “Thái Bình tiến lên” đã đăng bài: “Bệnh viện Thái Bình - một đơn vị tiên tiến”, lập nhiều thành tích trong hoạt động chuyên môn, trong các phong trào thi đua yêu nước. Bệnh viện Thái Bình vinh dự được nhiều đoàn đến thăm quan học tập và đón nhận các danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng:
+Năm 1961: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
+ Năm 1962: Bộ y tế và UBND tỉnh tặng bằng khen đơn vị khá nhất.
+ Năm 1963: Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương Lao động hạng III.
+ Năm 1964: Bộ y tế tặng bằng khen đơn vị tiên tiến của các bệnh viện trên toàn miền Bắc.
Các tổ chức đoàn thể quần chúng cũng vinh dự được đón nhận các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Tổng công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn, tỉnh đoàn cấp bằng khen. Đội tự vệ luôn giữ vững danh hiệu đơn vị quyết thắng.
Bệnh viện còn luôn luôn nhận được sự quý mến và tin tưởng của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Năm 1960 bác sỹ Nguyễn Tấn Minh chủ nhiệm khoa Nhi đã được bầu làm đại biểu quốc hội khóa II.
3.2. Xây dựng bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Bungari trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh (1969 – 1975)
3.2.1. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1969-1972)
Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc lần thứ nhất đã kết thúc. Từ năm 1969 – 1971 miền Bắc tập trung khắc phục hậu quả sau chiến tranh, ra sức tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và huy động sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Giữa lúc ấy, ngày 02-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Người để lại Bản di chúc thiêng liêng cho đồng bào và chiến sỹ cả nước: “…Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Thực hiện nghị quyết của Bộ chính trị Trung ương Đảng lao động Việt Nam, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thái Bình đã họp tại xã Châu Giang – huyện Đông Quan. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong ba năm 1968-1970: tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội với yêu cầu cao nhất, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đối với lĩnh vực Y tế, Đại hội xác định chỉ tiêu, phương hướng đề ra: “Thường xuyên thực hiện tốt ba mặt công tác: cấp cứu phòng không, vệ sinh phòng bệnh, điều trị và điều dưỡng cho cán bộ và nhân dân. Xây dựng một bệnh viện khu nam Tiền Hải; khởi công xây dựng Bệnh viện Việt Nam – Bungari. Cuối năm 1968, toàn tỉnh có 21 bệnh viện với 1.460 giường bệnh, đội ngũ thầy thuốc có 80 bác sỹ, 378 y sỹ. Đến cuối năm 1969, nhân dân vào viện không phải nộp viện phí, không phải mang theo lương thực. Năm 1970, mỗi trạm xá sẽ có một bác sỹ. Đẩy mạnh kết hợp đông tây y”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, bệnh viện khẩn trương hoàn tất khâu xây dựng, kiện toàn đội ngũ y bác sỹ. Đầu năm 1969, bệnh viện chuyển về Thị xã, tổng số giường bệnh là 400 giường.
Khoa Lao ở thôn Bi xã Tân Hòa, huyện Thư Trì chuyển giao sang Ty Y tế để thành lập Bệnh viện Lao theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh cuối năm 1966.
Khoa Đông y ở lại xã Đông Quang đến năm 1971 bàn giao cho Ty y tế để thành lập Bệnh viện Đông y theo quyết định số 22/TC ngày 19/5/1971 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
Bộ phận nội cán bộ của khoa Nội cán bộ và Nội nhân dân vẫn ở lại xã Lô Giang, huyện Tiên Hưng để thành lập Bệnh viện điều dưỡng theo quyết định số 01/TC-DC của UBND tỉnh Thái Bình.
Bộ phận chấn thương của khoa Ngoại được tách ra và thành lập khoa Chấn thương (tháng 9/1969) do Bác sỹ Đào Xuân Tích làm trưởng khoa.
Năm 1970 khoa xét nghiệm chung tách thành lập ba khoa hoạt động độc lập: khoa Huyết học do bác sỹ Nguyễn Hữu Hạnh trưởng khoa, khoa Sinh hóa bác sỹ Nguyễn Xuân Thiều làm trưởng khoa, khoa vi trùng bác sỹ Phạm Thế Truyền là trưởng khoa.
Bệnh viện có các khoa phòng như sau: Khoa Nội (nội cán bộ và nội nhân dân); khoa Nhi, khoa Lây, khoa Tâm thần kinh, khoa Lý liệu pháp, khoa Khám bệnh, khoa Ngoại; khoa Chấn thương, khoa Gây mê; khoa Mắt, khoa Răng hàm mặt, khoa Tai mũi họng, khoa Huyết học, khoa Sinh hóa, khoa Vi trùng, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Điện quang, khoa Dược, phòng Tổ chức hành chính, phòng Y vụ, phòng Tài vụ.
Ngày 29-9-1969, Đại sứ quán Bungari tại Việt nam cùng với các đại biểu Bộ Ngoại giao, Bộ y tế cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dự lễ cắt băng khai trương Bệnh viện Hữu nghị Việt nam – Bungari tỉnh Thái Bình.
Đúng 15 giờ 30 phút ngày 29-9-1969 cuộc mít tinh kỉ niệm 25 năm Quốc khánh Bungari và khai trương Bệnh viện Hữu Nghị Việt nam – Bungari tỉnh Thái Bình được tổ chức tại Hội trường Thị xã. Tới dự cuộc mít tinh về phía chính phủ Việt Nam có đồng chí Đinh Thị Cẩn - ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ y tế cùng các đồng chí đại diện Bộ ngoại giao, ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài của Việt Nam. Đoàn đại biểu Bungari gồm có đồng chí: Vơnađivétvidenop, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa nhân dân Bungari tại Việt Nam và phu nhân; đồng chí Ghêcócghi Yancop, Bí thư thứ ba đại sứ quán; đồng chí Bôritstopsép - tùy viên văn hóa và phu nhân, đồng chí Ivandgionốp, tuỳ viên thương mại; đồng chí Trưởng đoàn chuyên gia và ba đồng chí chuyên gia y tế Bungari công tác tại Bệnh viện tỉnh Thái Bình cùng tới dự.
Đoàn chủ tịch cuộc mít tinh có các đồng chí Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Đỗ Gia Phúc - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, đồng chí Vũ Thị Ngân Hiên - Trưởng Ty y tế, đồng chí Vơ-la-đi-lát-Vi-đê-nốp đặc mệnh toàn quyền của Bungari tại Việt Nam. Sau lễ mít tinh, đoàn đại biểu Bungari cùng đoàn đại biểu của các cơ quan trung ương, cơ quan của tỉnh đã cắt băng khai trương Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Bungari tỉnh Thái Bình.

Lễ Khai trương bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Bungari tỉnh Thái Bình ngày 29-9-1969
Trong ảnh: Bà Đinh Thị Cẩn – Ủy viên trung Ương Đảng, Thứ trưởng bộ y tế (hàng 1 đứng giữa), ông Ngô Duy Đông bí thư tỉnh ủy, ông Nguyễn Ngọc Trìu chủ tịch UBND tỉnh, ông Đỗ Gia Phúc - chủ tịch UB mặt trận Tổ quốc tỉnh, bà Vũ Thị Ngân Hiên - trưởng ty y tế, đại sứ quán Bungari tại Việt Nam, bộ ngoại giao Việt Nam, đoàn chuyên gia y tế Bungari đầu tiên tại Thái Bình và các phóng viên báo chí, đại biểu các ngành trong tỉnh và thị xã Thái Bình
Từ khi mang tên Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Bungari, bệnh viện liên tục được đón các đoàn chuyên gia y tế đến làm việc.
- Ngày 29-9-1969 đoàn chuyên gia đầu tiên đến dự lễ khai trương bệnh viện đoàn gồm:
+ Đồng chí Grigorop chuyên khoa ngoại - trưởng đoàn.
+ Đồng chí Iordanop chuyên khoa sinh hóa.
+ Đồng chí Zograpsky chuyên khoa nội.
+ Đồng chí Ivanop chuyên sửa chữa các máy y tế.
- Ngày 02-7-1970 đoàn chuyên gia thứ hai gồm 6 người:
+ Đồng chí Penchep phó giáo sư chuyên khoa nhi làm trưởng đoàn.
+ Đồng chí Zepkop phó giáo sư chuyên khoa sản.
+ Đồng chí Min kop chuyên khoa ngoại.
+ Đồng chí Ytezanop chuyên khoa nội.
+ Đồng chí Iordanop chuyên khoa sinh hóa.
+ Đồng chí Obredanop chuyên viên kỹ thuật, sửa chữa máy.
- Ngày 06-12-1971 đoàn chuyên gia thứ 3 gồm:
+ Đồng chí Ikordanop bác sỹ đa khoa làm trưởng đoàn.
+ Đồng chí Zograpsky chuyên khoa nội sang lần thứ 2.
+ Đồng chí Bermichiep chuyên khoa nhi.
+ Đồng chí Ivanop chuyên khoa sản.
+ Đồng ghí Gospadinow chuyên khoa điện quang.
+ Đồng chí Nicolow sửa chữa các máy y tế.
Với tinh thần quốc tế cao cả, trách nhiệm là những người thầy thuốc được chính phủ Bungari giao nhiệm, ngay sau khi đặt chân lên đất Thái Bình, đoàn chuyên gia đã làm việc một cách hết sức nhiệt tình. Đồng chí phó giáo sư, bác sỹ chuyên khoa ngoại Gorigorop đã đến thăm và làm việc với đồng chí Ngô Duy Đông bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, đồng chí nhấn mạnh: “Tôi muốn làm việc thật nhiều để phục vụ nhân dân Thái Bình, chúng tôi muốn góp phần xây dựng bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari trở thành một trong những trường đại học y khoa của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Đồng chí đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc vào việc xây dựng bệnh viện và phát triển khoa Ngoại. Trong thời gian làm việc ở bệnh viện đồng chí đã cùng các thầy thuốc thực hiện rất nhiều ca mổ khó như: cắt đoạn ruột, cắt dạ dày, mổ áp xe gan, …
Đồng chí phó giáo sư, bác sỹ chuyên khoa Nội Zograpsky đã tích cực tổ chức khám chữa bệnh và phòng bệnh cho bệnh nhân. Từ việc lớn đến việc nhỏ, đồng chí không hề quản ngại, ngày chủ nhật, đồng chí cùng tham gia làm vệ sinh với cán bộ nhân viên bệnh viện. Trong những buổi hướng dẫn học chuyên môn đồng chí đã giảng giải rất kỹ lưỡng để cán bộ, y bác sỹ tiếp thu, hiểu sâu chuyên môn. Trong thời gian ngắn, đoàn chuyên gia đã hoàn thành được chương trình đào tạo cho y bác sỹ và cán bộ nhân viên bệnh viện.
Đồng chí chuyên gia sinh hóa Iordanop luôn vui vẻ với cán bộ và bệnh nhân, đồng chí thận trọng theo dõi từng kết quả xét nghiệm, làm việc không kể giờ giấc giúp các thầy thuốc chẩn đoán bệnh kịp thời. Trong thời gian ngắn cùng với cán bộ nhân viên của khoa, đồng chí đã tham gia nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới đặc biệt là việc định lượng canxi trong máu.

Đồng chí Iordanop-chuyên gia sinh hóa giới thiệu hoạt động của phòng xét nghiệm sinh hóa với chủ tịch hội đồng bộ trưởng Bungari.
Đồng chí Ivanop-chuyên viên kỹ thuật lắp ráp và sửa chữa máy có tác phong nói ít làm nhiều luôn luôn lo lắng hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ trong thời gian ngắn đồng chí đã lắp xong và sửa chữa kịp thời các máy móc bị hư hỏng.
Về việc phục vụ chuyên gia, UBND tỉnh, Ty Y tế đã quyết định thành lập một ban chuyên trách để phục vụ chuyên gia, lúc đầu bác sỹ Phan Thanh Ngọc phụ trách, từ 1971 bác sỹ Hoàng Tuấn thay. Nhiệm vụ chính của ban là nắm tình hình hoạt động và những đề xuất của chuyên gia để báo cáo với UBND tỉnh và Ty y tế. Mặt khác, chăm lo đời sống, sức khỏe cho các chuyên gia. Tổ phục vụ chuyên gia có bộ phận phục vụ ăn uống, có tổ bảo vệ riêng. Lúc đầu ở một căn nhà xây lợp ngói, các công trình khép kín thuộc trường Y sỹ của Bộ (nay là trường Đại học Y Thái Bình). Bệnh viện còn có bốn giường bệnh để phục vụ sức khỏe chuyên gia khi cần thiết.
Từ năm 1971, chuyên gia chuyển sang khách sạn Dầu khí cùng chuyên gia Liên Xô thăm dò dầu khí tại Thái Bình. Ngày lễ, ngày chủ nhật thường tổ chức đưa chuyên gia đi thăm các danh lam thắng cảnh của tỉnh Thái Bình và các tỉnh của miền Bắc Việt Nam.

Trưởng đoàn chuyên gia Bungari làm việc với Tỉnh ủy và bệnh viện
Từ phải sang: đồng chí Grigorop - trưởng đoàn chuyên gia y tế Bungari, ông Ngô Duy Đông- bí thư tỉnh ủy, ông Hoàng Minh Đức-phiên dịch, bác sỹ Trần Xương-bệnh viện trưởng.
Ngoài ra, bệnh viện còn được đón tiếp 13 đoàn đại biểu của Đảng, chính phủ, mặt trận tổ quốc, bộ y tế, hội chữ thập đỏ, đại sứ quán Bungari tại Việt Nam đến thăm và làm việc với bệnh viện. Đặc biệt là phái đoàn của đồng chí Penkotodonop, Thủ tướng Chính phủ Bungari đến thăm bệnh viện ngày 24-12-1971, đồng chí đã nói: "Trái tim của chúng tôi ở Việt Nam là bệnh viện tỉnh Thái Bình, chúng tôi hứa sẽ giúp các đồng chí nhiều hơn nữa".
Thủ tướng chính phủ Bungari thăm bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Bungari
cùng đi với đoàn có các ông Đào Ngọc Chế, ông Vũ Văn Bình – phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Phạm Thị Tâm Dung - phó Ty y tế, ông Trần Xươn -bệnh viện trưởng, ông Phạm Tiến Lãng, ông Phạm Quang Lung -bệnh viện phó, ông Phạm Văn Liên -bí thư Đảng ủy bệnh viện
Cùng với việc đón tiếp các đoàn đại biểu đến thăm, bệnh viện còn tiếp nhận các chuyến hàng viện trợ của chính phủ Bungari gửi đến:
- Tháng 5-1970 tiếp nhận chuyến hàng gồm: 180 hòm thuốc, tủ lạnh, vải trắng, vải chéo trắng, ga trải giường, máy, đồng hồ.
- Ngày 10-2-1971 tiếp nhận chuyến hàng gồm: 636 kiện: thuốc, y cụ, băng dính, bô. Trị giá tương đương 599.615 Việt Nam đồng.
- Ngày 30-10-1972 tiếp nhận chuyến hàng tại ga Lạng Sơn bao gồm: 410 kiện: máy, nồi hấp, máy điện tim, kính hiển vi, thuốc chữa bệnh.
- Ngày 12-10-1973 tiếp nhận chuyến hàng gồm 488 kiện thuốc chữa bệnh.
Từ khi có chuyên gia Bungari đến làm việc, để học tập và tiếp thu kỹ thuật của chuyên gia, Ty y tế đã điều động bác sĩ Đỗ Mạnh Tuân ở bệnh viện Thụy Anh về bổ sung cho khoa ngoại, bác sỹ Hoàng Văn Chiêu ở trường y sĩ bổ sung cho khoa Nhi; bác sĩ Phan Thanh Ngọc bổ sung cho khoa Nội. Bộ phận vật tư kỹ thuật được UBND tỉnh điều động kỹ sư Vũ Đình Nghị từ nhà máy cơ khí của tỉnh về bệnh viện để bồi dưỡng, tiếp thu kỹ thuật về vận hành và sửa chữa các máy y tế. Mặt khác, Bộ y tế đã ưu tiên phân công bác sĩ Hoàng Thắng chuyên khoa sản, bác sĩ Trần Đăng Khoa chuyên khoa tiết niệu, bác sĩ Võ Đồng Quy chuyên khoa Nội, dược sĩ Phan Hồng Thủy học ở Bungari về công tác tại bệnh viện.
Khoa gây mê hồi sức do bác sĩ Vũ Thân làm trưởng khoa. Các kỹ thuật gây mê hồi sức đã áp dụng: các kỹ thuật gây mê nội khí quản, gây mê hạ huyết áp chỉ huy, gây mê hạ thể nhiệt; các phương pháp hồi sức hiện đại thở máy kéo dài cho những bệnh nhân suy hô hấp, gây mê trong phẫu thuật lồng ngực, sọ não, gây mê hồi sức phẫu thuật cho trẻ em.
Trong giai đoạn này, bệnh viện đã xử lý được các ca bệnh nặng đòi hỏi kỹ thuật cao như: cắt 3/4 dạ dày, cắt bán phần thận, cắt lách, phẫu thuật ruột dị dạng bẩm sinh của trẻ sơ sinh, các khối u đại tràng; mổ sỏi thận, sỏi niệu quản, mổ lấy sỏi gan, sỏi túi mật, mổ vết thương ngực hở, sọ não hở, các khối u lành tính trong bụng và ngoài da. Mổ lấy thai nhi, cắt tử cung bán phần, toàn phần, cắt sa sinh dục, cắt tử cung bằng phương pháp hiện đại Crossene, cắt u nang buồng trứng, triệt sản nam nữ, mổ hàm ếch, sứt môi trẻ em.
* *
*
Năm 1972, bị thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ leo thang trở lại trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Đỉnh cao là tháng 12-1972, chúng tổ chức đợt tập kích lớn bằng không quân vào Thủ đô Hà Nội.
Trong khi bệnh viện đang đi tìm địa điểm để sơ tán lần thứ hai, Hải Phòng đã chuyển đến 60 người bị thương trong trận Mỹ ném bom Hải Phòng nhờ bệnh viện Thái Bình giúp đỡ. Sau khi xin ý kiến tỉnh ủy, Ủy ban và Ty y tế, bệnh viện đã liên hệ và chuyển nạn nhân đến hai bệnh viện Quỳnh Côi và Phụ Dực, điều động các y bác sỹ chuyên khoa ngoại và chấn thương, bộ phận gây mê hồi sức cùng với các phương tiện xuống hai bệnh viện kịp thời xử lý các vết thương cho nạn nhân, phần trông nom săn sóc hậu phẫu phân công cán bộ của hai bệnh viện và cán bộ bệnh viện Việt Bun tăng cường đảm nhiệm.
Ngoài việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng và tinh thần phục vụ sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh và chi viện cho tỉnh bạn trong chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bệnh viện còn tham gia đào tạo 47 y sỹ đi B, đào tạo lớp chuyên khoa răng hàm mặt do bác sỹ Lê Duyên, các y sỹ: Phương, Nguyễn Thị Vinh Chinh đảm nhiệm, bệnh viện còn mở các lớp ngoại khoa, chuyên khoa gây mê hồi sức và truyền máu cho cán bộ các bệnh viện trong tỉnh.
Ngày 29-5-1972, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ty y tế bệnh viện chia nhỏ thành nhiều bộ phận về hai khu vực tả ngạn và hữu ngạn sông Trà Lý để kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Bệnh viện Việt Bun được sơ tán về 5 bệnh viện huyện thuộc tả ngạn và hữu ngạn sông Trà Lý.
Khu vực Tả ngạn sông Trà Lý bệnh viện sơ tán về hai bệnh viện Tiên Hưng và Đông Quan do bác sỹ Nguyễn Quang Lung-bệnh viện phó trực tiếp phụ trách.Bệnh viện làm nhiệm vụ cấp cứu phòng không cho các huyện thuộc địa bàn tả ngạn sông Trà Lý. Bệnh viện Tiên Hưng có khoa Ngoại, khoa Sản. Bệnh viện Đông Quan có bộ phận của ba chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt và một bộ phận nội Nhi.
Khu vực hữu ngạn sông Trà Lý, Bệnh viện sơ tán về ba bệnh viện: Vũ Tiên, Thư Trì, Kiến Xương. Bệnh viện làm nhiệm vụ cấp cứu phòng không cho các địa bàn thuộc hữu ngạn sông Trà Lý.
Bệnh viện Vũ Tiên có khoa Ngoại, Chấn thương. Ở đây có 2 bàn mổ, một bàn mổ đặt ở Bệnh viện Vũ Tiên, một bàn mổ đặt ở trạm xá Vũ Ninh. Cán bộ có Bác sỹ Đỗ Mạnh Tuân - trưởng khoa Ngoại, bác sỹ Trần Quy Nhơn chuyên khoa chấn thương, bác sỹ Vũ Thân chuyên khoa Gây mê hồi sức.
 |
 |
Bệnh viện Vũ Tiên
(nơi khoa Ngoại, Chấn thương sơ tán 1972)
|
Bệnh viện Thư Trì
(nơi khoa Sản và 3 chuyên khoa sơ tán 1972)
|
Bệnh viện Thư Trì có khoa Sản và bộ phận chính của ba chuyên khoa: Tai Mũi họng, mắt, răng hàm mặt.Cán bộ có bác sỹ Phạm Xuân Tiêu-trưởng khoa Sản, bác sỹ Nguyễn Hữu Thêm-trưởng khoa Mắt, Bác sỹ Đào Xuân Tuệ-trưởng khoa Tai mũi họng, bác sỹ Võ Văn Chương-trưởng khoa Răng hàm mặt.
Bệnh viện Kiến Xương đặt các khoa nội Nhi, Thần kinh, cán bộ có bác sỹ Nguyễn Phúc Lập- trưởng khoa Thần kinh, Bác sỹ Đặng Đức Giang- trưởng khoa Nội, bác sỹ Nguyễn Văn Vượng- phó trưởng khoa Nhi.

Bệnh viện huyện Kiến Xương
(nơi Bệnh viện Việt Bun sơ tán năm 1972)
Các khoa xét nghiệm tập trung về xã Vũ Sơn, huyện Kiến Xương, một số kỹ thuật viên xét nghiệm được phân chia về các bệnh viện huyện để phục vụ công tác xét nghiệm.
Kho Dược sơ tán làm hai nơi: ở Tả ngạn sông Trà kho thuốc gửi ở nhà ông bà Phạm Tiến Trừng thôn Tống Thỏ, xã Đông Mỹ do dược tá Đoàn Thị Mát phụ trách. Ở hữu ngạn, kho thuốc sơ tán về hợp tác xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, do dược sỹ trung cấp Hoàng Thị The phụ trách. Khoa Dược sơ tán về xã Lô Giang, huyện Tiên Hưng, khoa làm nhiệm vụ pha chế huyết thanh để phục vụ cho các bộ phận của bệnh viện.
Khu vực hữu ngạn do bác sĩ Trần Xương, bệnh viện trưởng phụ trách, đồng thời cũng là phẫu thuật viên về ngoại sản.
Ngày 29-5-1972 các phòng Ban: Hành chính quản trị, Tài vụ, Y vụ của Bệnh viện sơ tán về xã Vũ Hội, huyện Vũ Tiên, cách bệnh viện khoảng 5km.
Để bảo vệ bệnh viện và phục vụ cấp cứu ở khu vực thị xã, bệnh viện để lại 100 giường với 160 cán bộ, nhân viên, chủ yếu là lực lượng trẻ khoẻ, vừa làm nhiệm vụ phục vụ cấp cứu phòng không, vừa bảo vệ tài sản của bệnh viện. Hằng ngày, lực lượng tự vệ của bệnh viện phối hợp với lực lượng phòng không tiếp tục trực chiến để bắn trả máy bay Mỹ. Lãnh đạo bệnh viện có Bác sĩ Phạm Tiến Lãng - bệnh viện phó, ông Quách Đình Kiêm - bệnh viện phó kiêm bí thư Đảng uỷ. Các khoa phòng ban có ông Phạm Văn Kính - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, bác sĩ Hoàng Đức Tuấn – Trưởng phòng hành chính quản trị, bác sỹ Nguyễn Văn Vượng phó trưởng khoa Nhi. Bác sĩ Nguyễn Văn Bản - Trưởng khoa chấn thương chỉ huy đội phẫu thuật cấp cứu; tổ gây mê có y sĩ Nguyễn Văn Đắc, y tá Nguyễn Thị Mỳ cùng một số y sĩ, y tá khác.
Càng thất bại nặng nề, đế quốc Mỹ càng điên cuồng, liều lĩnh. Thủ đoạn đánh phá của địch rất xảo quyệt, máy bay các loại của chúng đánh phá từ tầng cao đến tầng thấp, ném bom cả ban ngày lẫn ban đêm. Mục tiêu đánh phá là các khu dân cư, trường học, bệnh viện...11giờ 30 phút trưa ngày 17-8-1972, đế quốc Mỹ cho nhiều tốp máy bay bắn phá bệnh viện. Chị Hoàng Thị Duyên hộ lý của bệnh viện đã hy sinh, anh Bùi Văn Sầm - Phòng Hành chính quản trị bị thương, anh Lê Nguyên Cừ thợ sửa chữa máy X-Quang và bác sĩ Nguyễn Văn Bản bị sức ép nặng của bom.
7 giờ sáng ngày 19-8-1972, nhiều tốp máy bay địch lại liên tiếp đánh phá bệnh viện, Trường đại học y Thái Bình, khu văn phòng Sở y tế và bộ phận thuốc nước của Xí nghiệp dược phẩm (ngày nay là bệnh viện Đông Y). Chúng thả 22 quả bom tấn, bắn nhiều quả rocket và các loại đạn. Trong các trận bắn phá này, có 06 cán bộ bệnh viện bị sức ép, một vài bệnh nhân bị thương nhẹ; số bệnh nhân khác đã kịp thời được đưa xuống hầm. Khu tập thể bệnh viện bị san bằng; nhà khoa nhi, khoa dinh dưỡng, nhà giải phẫu bệnh, khoa tâm thần kinh, nhà giặt bị sập, các nhà khác trốc hết ngói. Mặc dù vậy, sau mỗi trận đánh phá bệnh viện vẫn làm tốt việc cứu chữa, chăm sóc người bị thương kịp thời. Bệnh viện tổ chức tốt việc ăn uống, sinh hoạt; cấp phát chăn màn, quần áo cho bệnh nhân

|

|
Tự vệ Bệnh viện bắn máy bay Mỹ
ngày 19/8/1972
|
Một góc nhà khoa Nhi bị máy bay Mỹ đánh phá |
Ngay chiều ngày hôm đó, UBND tỉnh đã quyết định: "Tất cả các lực lượng chuyên môn còn ở bệnh viện phải triệt để sơ tán”. Bác sĩ Nguyễn Văn Bản - đội trưởng đội cấp cứu; y sĩ Đắc, y tá Mỳ tổ gây mê và các y tá, y sĩ khác đều về phối hợp với các bộ phận ở Bệnh viện Vũ Tiên. Cơ quan lãnh đạo của Bệnh viện tập trung về xã Vũ Hội, nơi sơ tán của các phòng, ban bệnh viện. Riêng bộ phận tự vệ do đồng chí Đinh Đăng Định - Đại đội trưởng, đồng chí Vũ Thị Tân, Đỗ Văn Vi - Đại đội phó cùng các đội viên tự vệ Tạ Thị Lan, Trần Thị Lan, Nguyễn Thi Nụ, đồng chí Son, đồng chí Dưởng, đồngchí Chuyên, đồng chí An, đồng chí Oanh, đồng chí Hằng, đồng chí Lê Thị Nga, đồng chí Luân được phân công ở lại bảo vệ cơ quan, khắc phục hậu quả sau khi bị bom Mỹ tàn phá, thu dọn đồ đạc, sửa sang hầm hố, cất giữ các trang thiết bị còn lại và phối hợp với các đơn vị thường trực chiến đấu, đến ngày 23-10-1972 rút về khu bệnh viện sơ tán xã Mê Linh, huyện Tiên Hưng. Đội tự vệ đã họp sơ kết rút kinh nghiệm, đến dự có bác sỹ Trần Xương bệnh viện trưởng, bác sỹ Phạm Tiến Lãng, bác sỹ Nguyễn Quang Lung bệnh viện phó, ông Nguyễn Công Ổn bí thư Đảng ủy bệnh viện, ông Phạm Văn Kính, ông Hoàng Tuấn phòng Tổ chức hành chính quản trị, ông Nguyễn Văn Vượng phó trưởng khoa Nhi. Đến dự còn có đồng chí Nhĩ văn phòng Đảng ủy khối chính dân Đảng tỉnh.
Trong hoàn cảnh trực chiến khó khăn, gian khổ, bộ phận tự vệ của bệnh viện luôn nêu cao tinh thần không sợ hy sinh, bảo vệ vững chắc mục tiêu. Với tinh thần dũng cảm chiến đấu, đồng chí Hoàng Đức Tuấn, đồng chí Đinh Đăng Định, đội tự vệ trực chiến được Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy tỉnh đội Thái Bình gửi thư khen.
 |
 |
Tự vệ Bệnh viện tham gia huấn luyện năm 1970
|
Đội tự vệ về dự họp sơ kết rút kinh nghiệm ngày 23-10-1972 |
Trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá bệnh viện ác liệt, ngày 30-5-1972, Bộ y tế đồng ý để chuyên gia Y tế Bungari về nước.
Sau ngày đế quốc Mỹ ném bom bệnh viện, các đoàn phóng viên nhiếp ảnh và báo của Nhật, Pháp, Bungari, đoàn nghị sĩ và đoàn nhân dân Mỹ, đoàn Cu Ba, Angeri, Nam Tư, đoàn của Bộ y tế....đã về quay phim, chụp ảnh cảnh bệnh viện bị tàn phá. Ông Đỗ Mười - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng đoàn cán bộ của Bộ đã về thị sát tình hình và giúp bệnh viện nhanh chóng khắc phục hậu quả.
Để phục vụ cho việc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, ngoài các hoạt động khám chữa bệnh, trực tiếp chiến đấu, bệnh viện còn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Bệnh viện đã cử Bác sĩ Nguyễn Văn Lờ - bệnh viện phó - Bí thư Đảng uỷ, bác sĩ Trần Quyết Tâm - Trưởng khoa Tai mũi họng, bác sĩ Hồ Minh - Phó khoa nội, chuyên khoa tim mạch, y sĩ Nguyễn Văn Dân - chuyên khoa chấn thương, y sĩ Châu Vĩnh Phát, y sĩ Lực, Yến và các y tá Lan, Trang, Hồng chi viện cho chiến trường miền Nam. Bác sĩ Nguyễn Hồng Hưng tăng cường cho đoàn giám sát ngừng bắn ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Một số cán bộ chi viện cho miền Nam
Từ phải sang trái: ông Trần Quyết Tâm, ông Nguyễn Văn Lờ, ông Hồ Minh,
ông Nguyễn Ngọc Dân, ông Nguyễn Hồng Hưng.
3.2.2.Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam -Bungari khắc phục hậu quả sau chiếntranh
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari được ký kết, Mỹ buộc phải ngừng ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các bộ phận của bệnh viện từ nơi sơ tán chuyển về thị xã. Ngày 19-2-1973, các ngành có liên quan: Sở Xây dựng, Ủy ban kế hoạch, Sở Tài chính, Ty Y tế, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Bungari đã họp bàn kế hoạch sửa chữa bệnh viện. Hội nghị thống nhất: Bệnh viện tổ chức sửa chữa các ngôi nhà cấp bốn; Sở Xây dựng sửa chữa các ngôi nhà tầng, Sở Tài chính lo kinh phí, Ủy ban kế hoạch cung ứng vật tư. Với tinh thần sửa chữa khẩn trương, tháng 3-1973 một số khoa trọng điểm như phòng khám, ngoại sản đã trở về cơ sở Bệnh viện. Bệnh viện vừa phục vụ vừa sửa chữa nhà cửa đến tháng 7-1973, tất cả các khoa phòng hoàn tất việc chuyển về bệnh viện. Số giường bệnh được bố trí là 470 giường. Các khoa xét nghiệm, điện quang còn tạm thời ở chung với phòng khám bệnh. Khu tập thể dành cho cán bộ công nhân viên mới bố trí được nửa số gia đình, số còn lại phải ở nhờ nhà dân trong thị xã.
Ngày 30-9-1973, UBND tỉnh có Quyết định số 116/TC tách phòng Tổ chức hành chính quản trị của Bệnh viện thành ba phòng: Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính quản trị và khoa Dinh dưỡng.
Cán bộ, nhân viên, y bác sĩ bệnh viện đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức thi đua sửa sang, dọn dẹp, sắp xếp nơi làm việc, nâng cao vai trò chăm sóc phục vụ người bệnh. Đến thời điểm này, biên chế cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện là trên 500 người. Số giường bệnh của bệnh viện cũng đã tăng lên 500 giường bệnh. Bệnh viện được Bộ y tế công nhận và xếp hạng Bệnh viện loại II.
Ngoài ra, bệnh viện còn là cơ sở thực tập của sinh viên Trường Đại học y Thái Bình và Trường Y sĩ của tỉnh. Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Bungari tỉnh Thái Bình luôn có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ với các trường. Trưởng Bộ môn của Trường Đại học y Thái Bình đều được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm khoa của các khoa trong bệnh viện. Bộ máy lãnh đạo bệnh viện, các khoa, phòng ban được sắp xếp ổn định và đồng bộ.
Bác sỹ Trần Xương - Bệnh viện trưởng. Bác sỹ Phạm Tiến Lãng, Bác sỹ Nguyễn Quang Lung – bệnh viện phó, ông Nguyễn Công Ổn bí thư Đảng ủy.
Bệnh viện còn phát triển bộ phận thăm dò chức năng do bác sỹ Nguyễn Trọng Hiện phụ trách (gồm nội soi ổ bụng, nội soi trực tràng, đo chuyển hóa cơ bản và thăm dò chức năng hô hấp).
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari tỉnh Thái Bình là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh được xếp hạng nhất, hạng nhì trong số các bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Bắc thời kỳ đó.
*
* *
Tháng 01-1974, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) ra Nghị quyết số 24-NQ/TW chỉ rõ nhiệm vụ của miền Bắc trong hai năm 1974-1975: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”.
Ngày 13-4-1974, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 06/BYT phát động phong trào xây dựng đơn vị mạnh. Ngày 15-5-1974, Bộ Y tế và Công đoàn ngành y tế Việt Nam ra Chỉ thị 08/BYT “xây dựng đơn vị mạnh trong các cơ sở khám chữa bệnh”.
Phấn khởi trước thắng lợi to lớn của quân dân cả nước và thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng, Chỉ thị của Bộ y tế, bệnh viện phát động các phong trào thi đua trong toàn thể cán bộ, y bác sĩ. Công đoàn, đoàn thanh niên bệnh viện tiếp tục làm nòng cốt, gương mẫu trong các phong trào thi đua nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân và thực hiện phong trào “3 tốt” của UBND tỉnh Thái Bình phát động “hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tốt nhất; tổ chức quản lý cơ quan tốt nhất; đoàn kết nội bộ xây dựng nếp sống tốt nhất”.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành, đoàn thể, bệnh viện đã sửa chữa lại toàn bộ hệ thống cổng giậu bao xung quanh; sửa sang lại cổng chính, cổng vào khu khám bệnh đa khoa; xây dựng lại phòng thường trực (có nơi tiếp khách), sửa sang lại đường đi trong Bệnh viện bằng những vật liệu đơn giản: xỉ vôi, xỉ than, gạch vỡ; xây thêm 48 phòng vệ sinh, 08 hố tiểu ngoài khu nhà điều trị của bệnh nhân, mắc điện chiếu sáng đường đi trong bệnh viện. Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư kinh phí cho Bệnh viện đặt một hệ thống đường nước đường kính 150 mm từ nhà máy nước vào thẳng Bệnh viện không qua các trạm trung gian, tạo điều kiện để bệnh viện có đủ nước sạch phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn sửa chữa cải tạo các đường nước hiện có và đào thêm hai giếng khơi có đường kính lớn để phục vụ bệnh nhân và cán bộ. Toàn bộ hệ thống điện sáng được tu sửa, số giờ mất điện đã hạn chế tối thiểu. Bệnh viện còn mua thêm 150 giường sắt mới, các giường gỗ, giường sắt cũ được sửa sang và sơn lại, mua thêm 650 chiếc màn, 950 chiếc chăn, 25.000 m vải trắng may săng gạc, áo, mũ cho nhà mổ, quần áo bệnh nhân và quần áo cho nhân viên. Tận dụng các gỗ, sắt bị loại do bom đạn tàn phá, cây của Bệnh viện bị sập đổ đã làm được 49 ghế băng, sửa lại một số bàn ghế trong Bệnh viện làm buồng nuôi cấy vi trùng. Tận dụng tôn ở các máng nước làm được 25 đôi thùng, làm các biển chỉ đường lớn nhỏ, sơn sửa lại các dụng cụ bằng sắt của các khoa phòng.
Các khoa điều trị, phòng khám Đa khoa có thùng đựng nước chứa thường xuyên cho bệnh nhân uống, Khoa Dinh dưỡng đã phấn đấu cung cấp 800 lít nước uống trong ngày cho bệnh nhân và tắm bé.
Số giường bệnh của Bệnh viện cuối năm 1973 là 470 giường, năm 1976 tăng lên là 500 giường. Số cán bộ công nhân viên có 515 người. Trong đó: cán bộ đại học: 69 người; y sỹ, dược sỹ trung cấp: 54 người; y tá: 128 người; dược tá, nữ hộ sinh: 65 người; hộ lý buồng bệnh: 72 người; hộ lý ngoại cảnh: 15 người; lao động gián tiếp: 113 người (gồm: Hành chính quản trị, nhà giặt, điện nước, kế toán, tổ chức).
Số cán bộ công nhân viên so với tỉ lệ giường bệnh còn thiếu nhưng đội ngũ cán bộ của Bệnh viện đã khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đội ngũ trưởng các khoa, phòng ban phần lớn là cán bộ công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn và quản lý. Đó là những yếu tố quan trọng để Bệnh viện khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại một cách nhanh chóng.
Về mặt tổ chức, khi trở về Thị xã năm 1974, Bệnh viện đã có 05 phòng chức năng, 14 khoa lâm sàng, 07 khoa cận lâm sàng.
- 5 phòng chức năng: Phòng Y vụ, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính quản trị, Phòng Vật tư kỹ thuật, phòng Tài vụ.
- 14 Khoa Lâm sàng: Khoa Nội (nội Cán bộ và nội Nhân dân), Khoa Nhi, Khoa Truyền nhiễm, khoa Tâm thần kinh, Khoa Da liễu, khoa Gây mê hồi sức, khoa Ngoại, khoa Chấn thương, khoa Sản phụ, khoa Răng hàm mặt, khoa Tai mũi họng, khoa Mắt, khoa Lý liệu pháp, khoa khám bệnh.
- 7 khoa cận lâm sàng: khoa Dược, khoa Sinh hóa, khoa Huyết học, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Vi sinh, khoa Điện quang, khoa Dinh dưỡng và bộ phận thăm dò chức năng nằm trong khoa Nội.
Tại khu khám bệnh Bệnh viện có đủ các bàn khám chuyên khoa. Có chuyên khoa bố trí hai đến ba bàn khám như: Nội, Tai mũi họng, Răng hàm mặt. Khu khám bệnh đa khoa còn bố trí một số phòng khám mà nội trú không có chuyên khoa như: đông y, giám định y khoa. Khu khám bệnh còn có các bộ phận cận lâm sàng như: Điện quang, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi trùng, lý liệu pháp, phòng cấp phát thuốc, phòng cấp cứu, phòng lưu lọc bệnh nhân, phòng bó bột, phòng làm răng giả, chọc xoang, điều trị ngoại trú … Khu khám bệnh có tổng số 17 bàn khám, riêng bàn khám các bệnh Truyền nhiễm để tránh lây lan, Bệnh viện bố trí khám tại khoa Truyền nhiễm.
Trung tâm hồi sức cấp cứu vì chưa có cơ sở, thiếu trang thiết bị và cán bộ nên chưa thành lập riêng được. Bệnh viện đã tập trung chỉ đạo các khoa: Nội, Nhi, Lây, Ngoại, Sản, Chấn thương, Phòng Khám bệnh bố trí những cán bộ có tay nghề và có kinh nghiệm phụ trách và có đủ thuốc cấp cứu và Oxy để cấp cứu cho bệnh nhân theo từng chuyên khoa. Riêng cấp cứu ngoài viện đã bố trí một kíp trực chuyên trách gồm một bác sỹ, một kỹ thuật viên, một lái xe cứu thương và Tổ gây mê hồi sức với dụng cụ đầy đủ, thuốc cấp cứu và số lượng máu sẵn sàng kịp thời đi cấp cứu.
Với bệnh nhân vào điều trị nội trú, theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bệnh nhân một giường nhưng số bệnh nhân vào viện quá đông nên có một số giường bệnh nhân vẫn phải nằm đôi.
Trong quản lý hoạt động chuyên môn, bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc các quy chế. Để tránh điều trị bao vây, lạm dụng thuốc kháng sinh, Vitamin, Bệnh viện đã xây dựng phác đồ điều trị nhất là điều trị những bệnh nhân cấp cứu, tăng cường hội chẩn và sử dụng cận lâm sàng. Các thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch, truyền máu, và các loại thuốc quý hiếm như: Plasma khô, Alversine, Moriamine, bệnh viện đã quy định y bác sỹ trực tiếp tiêm truyền và phân công những y tá có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm theo dõi. Các thủ thuật phức tạp đều do các y bác sỹ thực hiện.
Quản lý các khoa phòng: ngoài việc giáo dục nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác, mỗi cán bộ công nhân viên còn có bảng quy định chức trách và lịch công tác của từng người. Các khoa phòng có bảng chấm công, ngày nghỉ trả lương theo Bảo hiểm xã hội. Lãnh đạo bệnh viện, công đoàn tăng cường kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Các vật tư ở các khoa phòng đều phân công có người phụ trách, các trang thiết bị máy móc có lý lịch, có nội quy bảo quản sử dụng. Để nâng cao trách nhiệm đối với từng cán bộ công nhân viên, mỗi cán bộ công nhân viên Bệnh viện đều thêu trên ngực áo họ và tên, chức danh và khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu”. Tổ chức sinh hoạt bệnh nhân để góp ý kiến với bệnh viện vào ngày thứ 5 hàng tuần, mỗi phòng đều có sổ góp ý kiến của bệnh nhân với Bệnh viện. Hằng ngày, trên hệ thống truyền thanh của Bệnh viện, thường phát đi biểu dương những người tốt việc tốt, uốn nắn những sai trái kịp thời.
Sinh viên của trường Đại học và trường Trung học y tế đến thực tập đều được phổ biến nội quy và các quy định ăn mặc, áo mũ chỉnh tề, đi lại, nói năng nhẹ nhàng.
Bệnh viện còn tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên môn của các Khoa lâm sàng, cận lâm sàng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các kỹ thuật mới được phát triển là:
- Khoa Sinh hóa đã làm được các xét nghiệm: điện di huyết thanh, transamilaza, phosphataza kiềm, amilaza, cholesterol, điện giải đồ.
- Khoa huyết học đã làm được xét nghiệm: huyết đồ, tủy đồ, hạch đồ, tế bào.
- Khoa Vi sinh đã làm được xét nghiệm: phân lập và chẩn đoán số lượng vi khuẩn trong viêm đường tiết niệu bằng phương pháp Maccenkei, làm kháng sinh đồ trên môi trường Kligler tổng hợp, phân lập vi khuẩn của tất cả các bệnh.
- Khoa Giải phẫu bệnh: đã cắt bloc nhuộm thường hecmatoxylineosine, nhuộm ba mẫu Vangcoson Mick, nhuộm đặc biệt Soudan IV làm chẩn đoán tế bào nội tiết phụ khoa và tế bào ung thư.
- Khoa điện quang: chụp phổi, tủy sống, chụp đường mật cổ chuẩn bị bàng đường uống và tiêm tĩnh mạch, chụp UIV, chụp các lỗ rò có bơm thuốc cản quang, chụp phế quản có Lipiodol.
- Khoa lý liệu pháp đã sử dụng các phương pháp điều trị bằng: điện phân, hồng ngoại, tử ngoại, và bó Parafine.
- Kỹ thuật gây mê hồi sức đã phát triển nhờ đó các khoa ngoại triển khai được nhiều kỹ thuật cao trong điều trị ngoại khoa.
- Khoa Ngoại chấn thương đã phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật gan, tạo hình đường tiết niệu, phẫu thuật sỏi thận, cấp cứu chấn thương sọ não, đóng đinh nội tủy.
- Khoa Sản đã cắt tử cung toàn phần do khối u, ung thư tử cung và âm hộ ở giai đoạn đầu, chỉnh hình lỗ rò bàng quang, sa sinh dục, chỉnh hình các vách ngăn âm đạo, khám và điều trị vô sinh.
- Khoa Răng hàm mặt đã mổ khe hở môi, hở hàm ếch, tạo hình các vạt da quay, chỉnh hình răng, làm răng giả.
- Khoa Tai mũi họng: Mổ các áp xe sọ não, tiểu não do biến chứng viêm tai xương chũm, mổ viêm đa xoang, nội soi thanh quản bằng ống cứng.
- Khoa mắt đã mổ đục thủy tinh thể, Glôcôme kết hợp đục thủy tinh thể, mổ lác, tạo đồng tử giả, cắt mống mắt quang học.
- Hệ nội, nhi, lây: phục hồi được phòng thăm dò chức năng: tim mạch làm được tâm thanh cơ động đồ, Tiêu hóa đã làm được nội soi dạ dày, nội soi ổ bụng, nội soi trực tràng, hô hấp làm được nội soi thanh quản, nội tiết: đo chuyển hóa cơ bản, thăm dò chức năng hô hấp. Sử dụng các kết quả của cận lâm sàng, áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị. Đến năm 1974, các khoa hệ nội đã giải quyết được hầu hết các cấp cứu và các bệnh mãn tính. Các trường hợp đặc biệt mới phải gửi đi trung ương chẩn đoán và điều trị.
Việc ăn uống của bệnh nhân UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 37/TC ngày 10- 10- 1974 thành lập khoa dinh dưỡng Bệnh viện. Sau khi đi sơ tán về bếp và nhà ăn của bệnh viện bị bom đánh sập, Bệnh viện kịp thời sử dụng một ngôi nhà cấp bốn để làm bếp nấu ăn, số bệnh nhân ăn hàng ngày có tới trên 500 người. Lương thực, thực phẩm tuy có khó khăn nhưng nhà nước đảm bảo cung cấp đều đặn, gạo tẻ loại một được cấp 100%, thịt lợn 60%, thịt trâu bò 80%, gà vịt 65%, cá 32%, đậu phụ trứng 100%, đường kính 100%, rau xanh 25 tấn. Tinh thần phục vụ của nhân viên nhà ăn rất nhiệt tình và có nhiều cố gắng. Các khoa Ngoại, Sản, Nội, Chấn thương, Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Mắt đều bố trí phòng ăn cho bệnh nhân. Riêng khoa Sản, khoa Dinh dưỡng đưa cơm tới tận giường bệnh cho Sản phụ.
Phong trào thi đua phấn đấu xây dựng đơn vị mạnh, phong trào thi đua ba nhất của UBND tỉnh đã được cán bộ công nhân viên trong bệnh viện hưởng ứng một cách nhiệt tình. Cuối năm 1974, đoàn kiểm tra chéo các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, do Bộ Y tế làm trưởng đoàn. Khi tổng kết, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Bungari tỉnh Thái Bình được Bộ Y tế xếp đứng đầu trong các Bệnh viện tuyến tỉnh ở miền Bắc và được Bộ Y tế cấp bằng khen.
3.2.3.Hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể
Trong giai đoạn 1969 - 1974, nhiệm vụ của bệnh viện là tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ra miền Bắc và khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Đảng ủy và các đoàn thể trong bệnh viện đã bám sát nhiệm vụ chính trị lãnh đạo và động viên cán bộ công chức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
* Công tác xây dựng Đảng:Công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng.
Trong những năm 1965-1967, bệnh viện phải sơ tán về nông thôn, đồng chí Quách Đình Kiêm được điều động về làm bệnh viện phó kiêm Bí thư Đảng uỷ;đồng chí Phạm Tiến Lãng - bệnh viện phó được bầu làm Phó bí thư.
Từ năm 1968- 1971, đồng chí Phạm Văn Liên được điều động về làm chuyên trách công tác đảng, giữ chức Bí thư Đảng uỷ Bệnh viện. Đồng chí Phạm Văn Kính giữ chức phó bí thư Đảng ủy.
Tháng 4-1971, đồng chí Phạm Văn Liên được điều động đến công tác tại trường cấp III Kiến Xương, đồng chí Phạm Văn Kính - quyền Bí thư Đảng ủy.
Từ năm 1972- 1974, đồng chí Nguyễn Công Ổn thay đồng chí Phạm Văn Liên làm chuyên trách công tác Đảng và giữ chức Bí thư Đảng uỷ của Bệnh viện.
Từ 1975 đồng chí Vũ Bảo Ngọc được bầu làm bí thư, đồng chí Đỗ Đình Hòe được bầu làm phó bí thư.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng gay go, quyết liệt, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ Bệnh viện là rất nặng nề. Nhiệm vụ của công tác Đảng trong giai đoạn này là phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng; ra sức phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình trên các lĩnh vực. Đảng bộ tiến hành tổ chức cho đảng viên học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc cho đảng viên về đặc điểm tình hình của cách mạng nước ta; đường lối, nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đường lối cách mạng giải phóng miền Nam và đường lối đối ngoại của Đảng; nhận thức đầy đủ về âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Tăng cường sự nhất trí về chính trị tư tưởng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Trong cuộc vận động xây dựng “Đảng bộ bốn tốt, chi bộ bốn tốt”, đảng uỷ và các chi bộ đã cụ thể hoá yêu cầu “bốn tốt” thành các tiêu chí để mọi đảng viên rèn luyện, phấn đấu. Mỗi cấp uỷ viên, ngoài nhiệm vụ chính trị được phân công, còn làm công tác xây dựng đảng trong phạm vi của mình; từ đó tự mình rút ra kinh nghiệm, góp phần vào công tác xây dựng đảng.
Đảng bộ đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng vì vậy số lượng Đảng viên qua các kỳ đại hội đều tăng lên rõ rệt: Năm 1970, Đảng bộ có 92 đảng viên, năm 1971 có 124 đảng viên (chia làm 9 chi bộ). Năm 1972- 1974 có 113 đảng viên ( 9 chi bộ). Năm 1975 có 141 Đảng viên (17 chi bộ).
Đảng bộ bệnh viện lãnh đạo thực hiện tốt cuộc vận động bảo vệ Đảng theo tinh thần Chỉ thị 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên và công tác bảo vệ Đảng. Do đó, vai trò và hiệu lực lãnh đạo của Đảng bộ ngày càng được đề cao, tạo được sức mạnh, lòng tin của quần chúng và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.
* Tổ chức công đoàn
Chủ tịch công đoàn: Từ 1965 – 1969 ông Nguyễn Bá Trúc được cử làm thư công đoàn, từ 1969-1973 ông Đoàn Tất Nhiễm là thư ký công đoàn. Tiếp đó từ 1974 – 1980 ông Nguyễn Thanh Lịch làm thư ký công đoàn bệnh viện.
Công đoàn Bệnh viện luôn phát động các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “ba sẵn sàng” và phong trào “phụ nữ ba đảm đang”, công đoàn viên “bốn tốt”....làm cho phong trào phát huy được tác dụng thường xuyên, liên tục trong mọi lĩnh vực hoạt động, đem lại kết quả cụ thể và tích cực. Ra sức phát huy tác dụng của tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa trong bệnh viện; đồng thời khuyến khích, mở rộng phong trào đăng ký phấn đấu lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua trong toàn thể cán bộ, nhân viên, y bác sĩ. Các tổ công đoàn bộ phận thông qua đó phát huy được mặt mạnh của mình, hoàn thành nhiệm vụ công tác, kế hoạch được giao và chăm lo chu đáo đời sống của cán bộ, công nhân viên chức.
* Đoàn thanh niên
Bí thư Đoàn thanh niên: đồng chí Trần Văn Khiết (1966 -1967), đồng chí Nguyễn Thị Len (1967-1970), đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Minh (1971-1973), đồng chí Nguyễn Thị Chiến (1974 -1976).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Bệnh viện, phương hướng công tác, nhiệm vụ chính trị đặt ra cho đoàn viên thanh niên lúc đó là sẵn sàng lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam. Trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, sơ tán Bệnh viện về nơi an toàn, cứu chữa vết thương chiến tranh, điều trị cho bộ đội, cán bộ và nhân dân. Hoạt động của đoàn thanh niên trong thời kỳ này rất sôi nổi cả về hoạt động chuyên môn đến văn nghệ, bóng chuyền, là một trong hai tổ chức đoàn mạnh nhất trong tổ chức đoàn khối cơ quan chính dân Đảng của tỉnh.
Từ năm 1973 sau khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc bị thất bại, Bệnh viện từ nơi sơ tán (Bệnh viện Đông Quan, Bệnh viện Tiên Hưng, Bệnh viện Vũ Tiên, Bệnh viện Thư Trì, Bệnh viện Kiến Xương, xã Vũ Hội, …) trở về địa điểm cũ. Bệnh viện tập trung xây dựng lại khoa phòng bị tàn phá do bom Mỹ, kiện toàn tổ chức, đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh tốt hơn. Ban chấp hành đoàn thanh niên tổ chức cho đoàn viên làm việc ngoài giờ cả ngày lẫn đêm không kể thứ 7, chủ nhật để san lấp hố bom, sửa đường đi lại, sửa chữa nhà cửa, đóng mới bàn ghế, quét sơn giường tủ, trồng lại cây xanh, trồng vườn thuốc nam. Đoàn viên thanh niên luôn xung kích trong mọi hoạt động của Bệnh viện.
Năm 1974 - 1975 phần lớn các khoa phòng, hội trường của Bệnh viện (90%) làm bằng tre, nứa, lá và lợp ngói. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng khí thế cách mạng lúc đó là thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nở rộ như hoa mùa xuân. Từ những việc làm nhỏ như: bấc đèn dầu cải tiến đến các nẹp tre cải tiến trong cấp cứu chấn thương, tiết kiệm bơm, kim tiêm, phong trào thao diễn kỹ thuật, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ người bệnh.
Đầu năm 1975 đoàn thanh niên Bệnh viện phát động phong trào “Buồng bệnh làm theo lời Bác”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Các khoa phòng đều bố trí một buồng bệnh do thanh niên đảm nhiệm từ khâu khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh tận tình, chu đáo.
* Đội tự vệ cơ quan
Đội tự vệ cơ quan cũng được củng cố, đồng chí Đinh Đăng Định - đại đội trưởng, đồng chí Vũ Thị Tân, Đỗ Văn Vi, Nguyễn Thị Loan - đại đội phó, ông Bùi Văn Sầm, sau là ông Nguyễn Văn Đắc - chính trị viên.
Nhiệm vụ chính của tự vệ trong giai đoạn này là trực tiếp chiến đấu bắn trả máy bay Mỹ khi chúng ném bom xuống bệnh viện (năm 1972), đồng thời tham gia vận chuyển cấp cứu cán bộ và nhân dân bị thương, bảo vệ tài sản của cơ quan. Sau năm 1973, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ kết thúc, tự vệ bệnh viện còn thực hiện các chương trình huấn luyện quân sự, sử dụng các loại vũ khí thông thường, tham gia các hội thao bắn đạn thật do Thị đội tổ chức, đồng thời làm nòng cốt trong việc bảo vệ cơ quan, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy nổ.
*
* *
Từ sau ngày miền Bắc được giải phóng đến khi thống nhất nước nhà (1954-1975), miền Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù ở nơi sơ tán, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men thiếu thốn, khó khăn nhưng đội ngũ y bác sĩ cùng cán bộ công nhân viên của bệnh viện luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Bệnh viện luôn đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Đội ngũ y bác sĩ ngày một trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Đây là một trong những thời kỳ oanh liệt nhất, hào hùng nhất mà tập thể cán bộ công nhân, viên chức bệnh viện đã đóng góp vào truyền thống lịch sử xây dựng và trưởng thành của mình. Những thành tựu đó đã tạo tiền đề vững chắc để bệnh viện vững bước trong giai đoạn tiếp theo.