Trang chủ > Giới thiệu > Lịch sử bệnh viện > Phần thứ nhất: Lịch sử 110 năm > Chương 4: Giai đoạn 1975 - 1994  

Chương 4: Giai đoạn 1975 - 1994

CHƯƠNG 4

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM - BUNGARIKHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, BƯỚC VÀOTHỜI KỲ ĐỔI MỚI.
(1975 – 1994)

4.1.Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh (1975-1985)

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới – thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác y tế trong tình hình mới, Đảng đã ban hành Chỉ thị số 226-CT/TW về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chỉ thị nêu rõ: “Y tế phục vụ sản xuất, đời sống, quốc phòng, phục vụ nhân dân lao động, phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Y tế theo hướng y học dự phòng, kết hợp tây y với đông y. Y tế phải dựa vào quần chúng, lấy tự lực cánh sinh là chính, đồng thời tranh thủ sự viện trợ và mở rộng sự hợp tác quốc tế”.

Tại thời điểm này, mặc dù không còn có chuyên gia y tế Bungari sang làm việc nhưng bệnh viện vẫn mang tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Bungari với quy mô 470 giường bệnh.

4.1.1. Củng cố và xây dựng cơ sở vật chất

Bệnh viện có năm ngôi nhà hai tầng được  xây dựng từ những năm 1958 – 1962 gồm: nhà phòng khám bệnh đa khoa, nhà khoa nhi, nhà khoa nội, nhà khoa sản, nhà khoa Dược. Số nhà còn lại của các khoa Thần kinh, Lây, Đông Y, khoa Xét nghiệm, nhà chiếu chụp điện quang, nhà mổ, nhà giải phẫu bệnh, nhà xác và nơi làm việc của các phòng ban, lãnh đạo bệnh viện đều là nhà cấp bốn xây dựng từ những năm 1963 – 1964 đã phải sửa chữa nhiều lần.

Việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trước đây do Bệnh viện đảm nhiệm. Ngày 01-9-1976 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 88/TC thành lập Trạm vận chuyển cấp cứu 05 trực thuộc Sở Y tế. Bệnh viện đã bàn giao ngôi nhà khoa nhi hai tầng để làm trụ sở và hai xe cứu thương Lisa mới cho Trạm vận chuyển cấp cứu 05 làm phương tiện vận chuyển bệnh nhân.

Để nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh, công tác xây dựng cơ bản của bệnh viện đã có nhiều cố gắng. Đến năm 1976, bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước bệnh viện đã tiến hành xây dựng ngôi nhà ba tầng cho ba chuyên khoa. Cuối năm 1978, khu nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích 1.356m2. Bệnh viện đã bố trí cho chuyên khoa Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt mỗi khoa đều có đủ các phòng bệnh nhân, phòng làm thủ thuật, phòng mổ. Ngoài ra còn bố trí nơi làm việc, buồng bệnh nhân cho hai chuyên khoa chấn thương và da liễu.

  Ngày 03- 01- 1977, theo yêu cầu của Bungari để hoàn thiện hồ sơ thiết kế Bệnh viện, UBND tỉnh có công văn số 05VF3 cử ông Phạm Anh Lưu – Phó Ty xây dựng, ông Đỗ Đình Hòe –Bệnh viện phó cùng với bác sỹ của Vụ điều trị Bộ Y tế sang Bungari thống nhất với xí nghiệp thiết kế ở Xôphia về một số thông số kỹ thuật điện, nước, khí hậu tại thị xã Thái Bình. Theo hiệp định ký năm 1974 giữa hai nước Việt Nam và Bungari, nước bạn giúp Thái Bình thiết kế và xây dựng Bệnh viện Thái Bình quy mô trên 600 giường bệnh bằng vốn vay dài hạn. Đầu năm 1978, bệnh viện đã nhận được đầy đủ các tài liệu thiết kế bệnh viện của Bungari gửi sang. 

Hồ sơ tài liệu thiết kế bệnh viện của Bungari

Ông Phạm Anh Lưu (phải),

bác sỹ Đỗ Đình Hòe (trái),

bác sỹ vụ điều trị Bộ Y tế (giữa)

Ngày 25-3-1978, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 181-QD/TT phê duyệt thiết kế, cho phép UBND tỉnh Thái Bình xây dựng Bệnh viện Việt Bun. Đây là cơ sở khám và điều trị ở tuyến cao nhất cho cán bộ, công nhân viên trong tỉnh đồng thời là cơ sở thực hành của Trường Đại học Y và Trung học Y tế Thái Bình. Bệnh viện có quy mô 625 giường bệnh, năng lực khám 1000 lượt/ ngày. Tổng số vốn đầu tư 14 triệu đồng, trong đó: Xây lắp: 9 triệu đồng; trang thiết bị: 5 triệu đồng.

Cuối năm 1978, bệnh viện đã khởi công xây dựng nhà C4 - một hạng mục công trình lớn nhất trong 12  hạng mục công trình của Bệnh viện. Khu nhà được thiết kế năm tầng và một tầng hầm. Đại sứ Bungari tại Việt Nam cùng phu nhân đã về dự lễ khởi công và đặt đồng tiền Lêva xuống móng biểu thị tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Bungari và Việt Nam. Công trình hoàn thành xong phần móng thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nên tạm dừng lại đến năm 1982 mới tiếp tục xây dựng. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, công trình bị thay đổi lại thiết kế, bỏ tầng hầm; năm tầng còn lại chỉ đủ kinh phí xây dựng được ba tầng. Đầu năm 1986, công trình đưa vào sử dụng với diện tích 2.450m2, tầng một và tầng hai bố trí cho khoa Nội B, khoa ngoại, là hai khoa lớn nhất của bệnh viện; tầng ba bố trí cho khoa Đông y.

Cũng tại thời điểm này, tỉnh đã đầu tư cho bệnh viện xây dựng ngôi nhà hai tầng có các công trình vệ sinh khép kín bên khoa nội A để phục vụ cho các đối tượng cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Năm 1985, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích 919m2. Từ năm 1986 việc khám chữa bệnh cho cán bộ, công nhân viên thuộc các bệnh nội khoa tập trung về khoa nội A.

Nhà khoa Nội A (1985)

4.1.2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

* Kiện toàn tổ chức bộ máy


Lãnh đạo bệnh viện: bác sỹ Trần Xương tiếp tục làm bệnh viện trưởng đến hết năm1976,  bác sỹ Trần Kỳ làm bệnh viện trưởng (1977-1981), bác sỹ Đỗ Đình Hòe bệnh viện trưởng (1982) và đổi chức danh thành giám đốc bệnh viện (1983- 1986). Các phó giám đốc: bác sĩ Đỗ Đình Hòe (1974-1982) bệnh viện phó, ông Vũ Bảo Ngọc (từ 1975 – 1980) bệnh viện phó, bác sỹ Tạ Xuân Thảo là bệnh viện phó (1981-1982) và đổi chức danh phó giám đốc (1983-1988), bác sỹ Nhâm Trọng Tấn (1983-1988).

Lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo các khoa phòng (năm 1976)

 Các khoa phòng: Năm 1975 Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho Bệnh viện thành lập thêm khoa Nội cán bộ, được xây dựng ở phố An Tập (ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh hiện nay) để điều trị cho cán bộ thuộc tỉnh ủy quản lý. Năm 1976 Bệnh viện tái lập khoa Đông Y.  Năm 1977, Bệnh viện thành lập khoa trung tâm cấp cứu đặt tại tầng 1 của nhà hai tầng thuộc khoa Nội B đến năm 1985 Bệnh viện đã có 24 khoa phòng ban:

Các khoa lâm sàng gồm: Nội A, Nội B, Nhi, Lây, Tâm thần kinh, Da liễu, đông y, lý liệu pháp, khoa ngoại, khoa chấn thương, khoa sản, khoa gây mê hồi sức, khoa trung tâm cấp cứu, khoa mắt, khoa tai mũi họng, khoa răng hàm mặt, phòng khám bệnh đa khoa.

Các khoa cận lâm sàng gồm: huyết học truyền máu, sinh hóa, vi trùng, khoa Xquang, khoa giải phẫu bệnh, khoa Dược, khoa Dinh dưỡng,

Các phòng ban gồm: phòng tổ chức cán bộ, phòng y vụ, phòng vật tư kỹ thuật, phòng tài chính kế toán, phòng hành chính quản trị.

Tổng số cán bộ công nhân viên có 656 người, trong đó có 135 bác sĩ, 27 y sĩ, 195 y tá, 38 kỹ thuật viên, 21 nữ hộ sinh, 9 dược sĩ đại học, 6 dược sĩ trung học, 14 dược tá, 1 kỹ sư cơ khí, 3 đông y trẻ, 15 kế toán và 84 hộ lý buồng bệnh.

Từ tháng 6-1976, khi xảy ra chiến tranh Biên giới phía Tây Nam, bệnh viện đã cử: bác sỹ Phạm Thông- phó khoa ngoại, dược sỹ đại học Bùi Văn Chỉnh – phó khoa Dược và hai kỹ thuật viên của khoa gây mê hồi sức là y sĩ Lê Tuyền và y tá Nguyễn Thị Hường vào công tác tại bệnh viện Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.

Tháng 2-1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, bệnh viện đã cử các cán bộ chi viện cho bệnh viện Mường Lay, tỉnh Lai Châu: Bác sỹ Tạ Xuân Thảo - Phó khoa Ngoại, bác sỹ Nguyễn Văn Bản - Trưởng khoa Chấn thương,  y sĩ Nguyễn Văn Đắc, kỹ thuật viên gây mê Nguyễn Huy Lập, Nguyễn Văn Tám được tổ chức thành một đội phẫu thuật. Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới, đoàn còn ở lại giúp Sở y tế Lai Châu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức.

Thực hiện chủ trương của Bộ y tế, Ty y tế Thái Bình, bệnh viện còn cử bác sĩ Tạ Xuân Thảo tham gia cùng đoàn với bác sĩ Bùi Xuân Kiều - Trưởng phòng nghiệp vụ, bác sĩ Vũ Huy Chúc - Trưởng phòng Kế hoạch Sở y tế đi nghiên cứu lập kế hoạch tiếp tục giúp tỉnh Lai Châu. Từ 1986 - 1989 Bệnh viện cử Bác sỹ Đào Thanh Hóa – chuyên khoa Ngoại, bác sỹ Lê Văn Thông chuyên khoa chấn thương chi viện cho tỉnh Lai Châu.

Cuối năm 1979, thực hiện quyết định của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Ty y tế, bệnh viện tiếp tục cử bác sĩ Nguyễn Như Chiến - chuyên khoa Chấn thương, bác sĩ Hoàng Thắng - chuyên khoa Sản, bác sĩ Nguyễn Văn Vượng - trưởng phòng Tổ chức cán bộ cùng với đoàn cán bộ của Ty Y tế đi giúp Campuchia củng cố lại các cơ sở y tế sau thảm họa diệt chủng của Pôn Pốt đã góp phần xây dựng mối quan hệ  hữu nghị vui đắp tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam – Campuchia.

* Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

 Bệnh viện cử các bác sĩ đi thực tập sinh tại Bungari gồm: bác sĩ Phan Thanh Ngọc - Phó trưởng khoa nội; bác sĩ Nguyễn Văn Quỳnh - Trưởng khoa hồi sức cấp; bác sĩ Nhâm Đình Hùng  - Trưởng khoa huyết học, bác sĩ Nguyễn Hồng Thanh - Phó khoa nội B.

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, bệnh viện cử các bác sỹ có nhiều năm công tác đi học chuyên khoa II gồm: bác sỹ Phạm Xuân Tiêu - trưởng khoa sản, bác sỹ Đào Xuân Tuệ - trưởng khoa Tai mũi họng, bác sỹ Nguyễn Hữu Thêm Trưởng khoa Mắt, bác sỹ Đàm Thị Cúc – chuyên khoa mắt, bác sỹ Nguyễn Ngọc Duyên - chuyên  khoa Nhi, bác sỹ Võ Văn Chương, Kiều Hữu Liệt trưởng, phó khoa Răng hàm mặt, bác sỹ Trần Quy Nhơn – chuyên khoa chấn thương, dược sỹ Trần Văn Khiết trưởng khoa Dược. Hàng năm Bệnh viện còn tiếp tục cử các bác sỹ học chính trị, ngoại ngữ.

Để nâng cao trình độ tổ chức quản lý trong việc chăm sóc bệnh nhân, tháng 5-1979, bệnh viện đã cử năm đồng chí y tá đi học lớp y tá trưởng khóa II của Bộ y tế mở do chuyên gia Thụy Điển giảng dạy tại thị xã Hà Đông. Năm 1983, bệnh viện phối hợp với Trường trung học y tế của tỉnh mở lớp y tá trưởng khoa đào tạo cho 20 y tá của bệnh viện.

Từ năm 1981, Nhà nước cho phép những bác sĩ có tay nghề và có trình độ ngoại ngữ đi chuyên gia y tế ở các nước châu Phi. Bệnh viện đã tạo điều kiện để các bác sỹ được đi làm chuyên gia y tế tại Algeri. Trong đó có: bác sỹ Đỗ Mạnh Tuân  - Trưởng khoa Ngoại, bác sỹ Đào Xuân Tuệ - Trưởng khoa Tai mũi họng, bác sỹ Nguyễn Tấn Minh - trưởng khoa Nội, Bác sỹ Trần Thị Khánh Hòa – chuyên khoa Sản, bác sỹ Vũ Thân - Trưởng khoa gây mê hồi sức, bác sỹ Nguyễn Ngọc Duyên - Trưởng khoa Nhi, bác sỹ Phạm Thông  - Trưởng khoa Ngoại, bác sỹ Hoàng Trọng Lãm  - Trưởng khoa sản, bác sỹ Đỗ Quang Minh  - chuyên khoa Ngoại, bác sỹ Trần Quy Nhơn - Trưởng khoa Chấn thương, bác sỹ Tạ Xuân Thảo - chuyên khoa Ngoại Phó giám đốc bệnh viện.

Các bác sỹ: Bùi Hữu Quang - Phó trưởng khoa Ngoại, Nguyễn Thị Dư - chuyên khoa Nội nhi, Nguyễn Văn Thanh - Trưởng khoa khám bệnh, chuyên khoa thần kinh, Phạm Văn Hiệp - chuyên khoa Nhi lây, Hoàng Anh Dung - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa Nội, Nguyễn Văn Thanh - chuyên khoa Sản, Hoàng Khắc Thụ, Tô Thanh Liêm, Nguyễn Văn Sáng - chuyên khoa Ngoại, kỹ thuật viên Nguyễn Huy Lập - chuyên khoa gây mê hồi sức làm việc tại Angola.

Bác sỹ Hoàng Văn Chiêu - Trưởng khoa Nhi làm việc tại đảo Santomec (Sao-tô-mê), bác sỹ Kiều Hữu Liệt - chuyên khoa Răng hàm mặt đi chuyên gia giảng dạy ở Madagaska.

4.1.3. Công tác khám, chữa bệnh

* Chỉ tiêu kế hoạch: Số giường bệnh năm 1976 - 1979 kế hoạch mỗi năm 600 giường. Từ năm 1980 - 1985, mỗi năm kế hoạch 650 giường. Số giường bệnh của các khoa được bố trí như sau:

- Khoa nội A: những năm đầu chỉ tiếp nhận cán bộ của tỉnh nên mỗi năm chỉ bố trí từ 20 -30 giường. Từ năm 1987 trở đi, khoa thực hiện điều trị cho tất cả cán bộ, công nhân viên trong tỉnh nên số giường bệnh được bố trí từ 50 -60 giường. 

- Khoa nội B: giai đoạn 1976 -1986 điều trị cho cả nhân dân và cán bộ công nhân viên không thuộc diện tỉnh quản lý nên mỗi năm bố trí từ 90-95 giường. Từ năm 1987 chuyển cán bộ công nhân viên sang điều trị ở nội A, số giường bệnh còn bố trí từ 60 -70 giường.

- Khoa ngoại thường xuyên bố trí 80 đến 100 giường bệnh; khoa Sản đông bệnh nhân thường xuyên duy trì 80 giường; khoa Chấn thương: từ 35 – 40 giường; khoa Lây: từ 50- 60 giường; khoa Da liễu: 25 giường; khoa Thần kinh: từ 30- 35 giường; khoa Mắt: 25 giường; khoa Tai mũi họng: 25 giường; khoa Răng hàm mặt: 10 giường (bệnh nhân chủ yếu điều trị ngoại trú); khoa Đông y: 10 giường; khoa Cấp cứu trung tâm: 10 giường.

- Khoa khám bệnh, hàng ngày bố trí từ 18- 19 bàn khám phục vụ bệnh nhân. Trong đó: bốn bàn khám nội, ba bàn khám nhi, hai bàn khám răng hàm mặt, hai bàn khám tai mũi họng, một bàn khám mắt, một bàn khám chấn thương, một bàn khám ngoại, một bàn khám da liễu, hai bàn khám sản, hai bàn khám cấp cứu, một phòng chiếu chụp x quang. Ngoài ra còn phòng tiểu phẫu, phòng điều trị ngoại trú của các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, phòng bó bột của chấn thương, phòng lưu lọc và khám cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân và bố trí đủ các phòng: xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi trùng, điện quang để phục vụ cho việc chẩn đoán. Các khoa cử cán bộ có trình độ chuyên môn, có phong cách làm việc tốt để đảm nhiệm các bàn khám bệnh.

Sau khi giải phóng miền Nam do cơ sở vật chất của bệnh viện cũ và xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn nên số bệnh nhân đến khám và điều trị không nhiều. Từ năm 1980-1985 số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng dần.

Các chỉ tiêu chuyên môn thực hiện trong sáu năm (1980 – 1985):

Bệnh viện đã khám bệnh cho 1.231.599 bệnh nhân, trung bình mỗi năm khám 205.266 bệnh nhân, mỗi ngày khám trung bình 684 bệnh nhân.

Điều trị ngoại trú cho 15.795 bệnh nhân, điều trị nội trú 172.855 bệnh nhân. Số bệnh nhân nằm tại bệnh viện mỗi ngày 840 bệnh nhân, so với kế hoạch 600 giường bệnh thì số lượng bệnh nhân tăng gấp 1,4 lần.

- Số bệnh nhân được phẫu thuật trong sáu năm đạt 27.206 bệnh nhân, bình quân mỗi năm mổ 4.534 ca, trong đó:

Ngoại mổ: 4.861 ca, bình quân mỗi năm mổ 810 ca.

Sản mổ 2.190 ca, bình quân mỗi năm mổ 365 ca.

Chấn thương mổ 8171, bình quân mỗi năm mổ 1.361 ca.

Tai mũi họng mổ 4.189 ca, bình quân mỗi năm mổ 698 ca.

Răng hàm mặt mổ 3.601 ca, bình quân mỗi năm mổ 600 ca.

Mắt mổ 4.103 ca, bình quân mỗi năm mổ 603 ca.

Mổ tiết niệu 147 ca, bình quân mỗi năm mổ 24 ca.

Chiếu điện 14.693 ca, bình quân mỗi năm chiếu 25.782 ca

Chụp điện 7.848 ca, bình quân mỗi năm chụp 964 bệnh nhân.

Tiêu bản xét nghiệm 1.464.958 bản, mỗi năm xét nghiệm 244.159 tiêu bản.

Các khoa lâm sàng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy chế, chế độ, chức trách chuyên môn. Các bác sỹ hàng tháng, hàng quý tổ chức các buổi hội thảo khoa học về những chủ đề quan trọng như: chế độ cấp cứu, chế độ hội chẩn, chế độ kiểm thảo tử vong, chế độ hồ sơ bệnh án, chế độ thường trực, chế độ chống nhầm lẫn thuốc men và chế độ tâm lý tiếp xúc. Đội ngũ y tá hàng năm tổ chức tập huấn các quy trình kỹ thuật, tâm lý tiếp xúc, kỹ năng ứng xử trong chăm sóc người bệnh.

Bệnh viện thực hiện nghiêm túc chỉ thị 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống phiền hà trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh nhân đến khám bệnh  được nhân viên y tế đón tiếp niềm nở, không phải chờ đợi lâu. Các tiêu chuẩn chế độ của bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, kể cả ăn uống và thuốc chữa bệnh.

* Công tác dược

Từ năm 1983, việc cung ứng thuốc gặp nhiều khó khăn, bệnh viện bố trí một số phòng làm việc để Công ty dược phẩm của tỉnh đưa thuốc vào bệnh viện trực tiếp phục vụ bệnh nhân. Các loại thuốc quý hiếm căn cứ vào số lượng, phòng Y vụ phải làm tem phiếu cho từng loại thuốc để phân cho các khoa theo kế hoạch của từng đợt. Khi bệnh nhân đến khám bệnh, bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân mua thuốc. Các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện khi phải dùng thuốc kháng sinh tổng hợp, dịch truyền hoặc đạm thì phải mua theo bệnh án.

Việc ăn uống của bệnh nhân, Nhà nước vẫn đảm bảo cấp tem phiếu mua các loại thực phẩm: đường, sữa, thịt, nước mắm, bột ngọt cho bệnh viện theo kế hoạch giường bệnh. Bệnh nhân hàng ngày được ăn theo chế độ bệnh lý: sữa, cháo đường, cháo thịt, phở, súp, cơm thường và được phục vụ nước uống. Khoa dinh dưỡng trực tiếp đưa tiêu chuẩn ăn cho bệnh nhân xuống từng buồng bệnh. Bệnh nhân nặng được theo dõi, phục vụ 24/24 giờ trong ngày. Bệnh viện đã thực hiện phục vụ bệnh nhân tại chỗ theo quy định của Bộ y tế: “Cơm nước đủ đến tận khoa; thuốc men đưa đến tận khoa; xét nghiệm trả tận khoa; quần áo bệnh nhân được thay hàng ngày tại khoa”.

* Công tác chỉ đạo tuyến

Công tác chỉ đạo tuyến được bệnh viện quan tâm chú trọng. Bệnh viện thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ  cho cán bộ của các bệnh viện huyện, thị xã. Hàng năm, bệnh viện mở các lớp bồi dưỡng cho các bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên các chuyên khoa: Nội, Nhi, Sản, Tai mũi họng, Răng hàm mặt. Tổ chức các cuộc họp tuyến để trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ; nguyên tắc chuyển tuyến. Bệnh viện còn cử các kíp mổ cấp cứu của khoa Ngoại, Sản, chấn thương; các kíp cấp cứu hồi sức, kíp truyền máu xuống tuyến huyện, xã phối hợp với các đơn vị tổ chức phẫu thuật, cấp cứu, truyền máu cho những bệnh nhân nặng không đủ điều kiện chuyển lên bệnh viện tỉnh.

* Về công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh

 Hàng năm, bệnh viện phối hợp chặt chẽ với Trạm vệ sinh phòng dịch của tỉnh làm tốt công tác chống dịch. Khi có các bệnh dịch xảy ra, bệnh viện đã kịp thời báo cáo với Phòng nghiệp vụ  của ty y tế và Trạm vệ sinh phòng dịch để có biện pháp xử lý. Năm 1975- 1985, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả nên đã kịp thời dập tắt được các dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả, bại liệt, bach hầu, sởi... hạn chế tỷ lệ tử vong. Đồng thời, Bệnh viện cử cán bộ tham gia dập dịch; kiểm tra, đôn đốc thực hiện; phối hợp với đội ngũ cán bộ y tế địa phương tổ chức tiêm chủng, uống các loại vắcxin: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván...cho nhân dân và trẻ em, đạt tỷ lệ 93%. Mặt khác, bệnh viện còn tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, xây dựng và sử dụng tốt ba công trình vệ sinh, góp phần làm trong sạch môi trường sống.

* Công tác phối hợp viện trường

Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, bệnh viện còn làm tốt công tác kết hợp viện trường. Bệnh viện đã cử các bác sĩ tham gia giảng dạy tại Trường Trung học y tế và Trường Đại học Y Thái Bình. Năm 1983 bệnh viện bổ nhiệm thêm các bác sỹ chủ nhiệm bộ môn của Trường Đại học Y làm phó trưởng khoa như: phó tiến sĩ Lê Đức Tố chủ nhiệm bộ môn ngoại kiêm phó khoa chấn thương, bác sỹ Trần Quế chủ nhiệm bộ môn nội, phó trưởng khoa Nội, bác sỹ Trần Mạnh Đoàn phó chủ nhiệm bộ môn ngoại làm phó trưởng khoa ngoại, bác sỹ Bùi Đức Viễn chủ nhiệm bộ môn nhi làm phó trưởng khoa Nhi, bác sỹ  Hà Mạnh Khuê chủ nhiệm bộ môn truyền nhiễm kiêm phó trưởng khoa Lây.

4.1.4 Công tác xây dựng Đảng và hoạt động của các tổ chức đoàn thể

* Công tác xây dựng Đảng

 Từ năm 1975 đến năm 1985 diễn ra sáu kỳ đại hội Đảng bộ bệnh viện. Đồng chí Vũ Bảo Ngọc - Phó giám đốc Bệnh viện được bầu làm bí thư Đảng uỷ 4 khoá  liên tục: khóa 12-15(từ 1975- 1982); đồng chí Đỗ Đình Hoè được bầu làm Bí thư Đảng uỷ  khoá 16 (1982- 1986).

- Đại hội Đảng bộ khóa 14 (1979 - 1980) có 152 đại biểu. Đại hội đã bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí trong đó ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Vũ Bảo Ngọc, phó bí thư đồng chí Đỗ Đình Hòe.

- Đại hội Đảng bộ khóa 15 (1981 - 1982) diễn ra trong hai ngày 27 và 28 - 3 - 1981. Có 146 đại biểu. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành gồm 15 đồng chí trong đó ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Vũ Bảo Ngọc, phó bí thư đồng chí Đỗ Đình Hòe.

- Đại hội Đảng bộ khóa 16 (1982 - 1984) diễn ra trong hai ngày 28 và 29 - 10- 1982. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành gồm 12 đồng chí trong đó ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Đỗ Đình Hòe, phó bí thư đồng chí Nhâm Trọng Tấn.

 Số Đảng viên trong Đảng bộ năm 1979 có 171 đảng viên, năm 1980 có 172 Đảng viên, năm 1981 có 161 Đảng viên. Từ năm 1982- 1985 số lượng Đảng viên trong Đảng bộ không thay đổi nhiều, Đảng bộ bệnh viện có 12 chi bộ: Chi bộ ngoại, sản, chấn thương; chi bộ nhà mổ, khoa hồi sức cấp cứu, trạm vận chuyển 05; chi bộ 3 chuyên khoa răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng; chi bộ các khoa cận lâm sàng huyết học, sinh hoá, vi trùng, x quang; chi bộ khoa nội A; chi bộ khoa nội B, da liễu, thần kinh, đông y; chi bộ khoa nhi, lây; chi bộ phòng khám bệnh, giám định y khoa; chi bộ phòng tổ chức, công đoàn; chi bộ phòng tài vụ, khoa dinh dưỡng; chi bộ phòng hành chính quản trị; chi bộ dược, phòng y vụ, vật tư kĩ thuật.

Thời kỳ này, công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả, Đảng bộ đã kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong cấp uỷ, bảo đảm sự vững mạnh của Đảng. Đảng uỷ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên.   Thường xuyên tuyên truyền tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh xảy ra chiến tranh Biên giới phía Bắc và Tây Nam. Đảng ủy đã triển khai cho cán bộ học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết 23,34 và Chỉ thị 226-CT/TW của Trung ương Đảng về phát triển sự nghiệp y tế, đẩy mạnh phong trào vệ sinh, thể dục, góp phần bảo vệ, tăng cường sức khỏe nhân dân, phòng ngừa và dập dịch. Đồng thời triển khai Chỉ thị 38-CT/BYT của Bộ Y tế về xây dựng lề lối làm việc chính quy, hiện đại và chế độ chức trách của từng cán bộ công nhân viên. Từ đó đề cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, tác phong làm việc khẩn trương, phấn đấu nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh của mỗi thầy thuốc.

Việc phát thẻ đảng viên theo tinh thần Chỉ thị số 83-CT/TW, ngày 26-11-1979 của Ban Bí thư được thực hiện nghiêm túc, có tác dụng tích cực trong đấu tranh phê bình, tự phê bình, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự tiên phong gương mẫu của đảng viên, góp phần làm trong sạch nội bộ đảng. Đợt phát thẻ đảng viên được tiến hành đồng thời với các phong trào hành động cách mạng và gắn với các dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm.

 Năm 1981 Đảng bộcó 161 đảng viên. Đợt phát thẻ Đảng tháng 9-1981 có 8 đảng viên, tháng 10-1981 có 143 đảng viên; tháng 12-1981 có 8 đảng viên được phát thẻ Đảng; còn 2 đảng viên vận động viết đơn rút lui khỏi đảng.

Qua bình xét hàng năm, 101 đảng viên xếp loại I; 41 đảng viên xếp loại II; 1 đảng viên xếp loại III. Đảng bộ còn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, các quần chúng ưu tú và đoàn viên thanh niên xuất sắc đã được phát hiện, bồi dưỡng để trở thành đảng viên. Đảng bộ bệnh viện luôn là một Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nhiều năm được Đảng bộ cấp trên biểu dương, khen thưởng.

 * Tổ chức công đoàn

 Thời kỳ 1975 - 1985 đã diễn ra bốn kỳ đại hội công đoàn khóa 13, 14, 15, 16. Đồng chí Nguyễn Thanh Lịch làm thư ký công đoàn khóa 13, 14 (từ năm 1974-1980). Đồng chí Hoàng Thị Mận làm thư ký công đoàn khóa 15, 16 (1981-1985).

Đại hội công đoàn khóa 15 (1981 - 1983) bầu ra ban chấp hành gồm 13 đồng chí. Đồng chí Hoàng Thị Mận được bầu làm thư ký công đoàn.

Đại hội công đoàn khóa 16 (1983-1985) bầu ra ban chấp hành gồm 11 đồng chí. Chủ tịch công đoàn đồng chí Hoàng Thị Mận, phó chủ tịch đồng chí Lê Thị Phượng.

Hoạt động của công đoàn bệnh viện tập trung vào nhiệm vụ giáo dục, vận động đoàn viên, cán bộ, công nhân viên chức gương mẫu tham gia các phong trào cách mạng, điển hình như phong trào: “Xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”; “Phong trào hợp lý an toàn về thuốc”. Đoàn viên công đoàn sôi nổi hưởng ứng cuộc vận động lớn: phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, lề lối làm việc, hợp lý hoá sản xuất; triệt để tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu. Nhiều sáng kiến của đoàn viên công đoàn được áp dụng, làm lợi cho nhà nước hàng triệu đồng; ý thức làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của đoàn viên được nâng lên. Sau mỗi phong trào, công đoàn bệnh viện đều tổ chức tổng kết, đánh giá, tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích, trên cơ sở đó nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Bên cạnh đó, công đoàn còn chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn:  Thời kỳ này, đời sống nhân dân nói chung, cán bộ, công nhân viên chức nói riêng gặp không ít khó khăn. Ban chấp hành Công đoàn bệnh viện tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc có những giải pháp cải thiện đời sống cho đoàn viên như giải quyết trợ cấp đột xuất; phát động phong trào tăng gia sản xuất trồng rau màu, chăn nuôi và thực hành tiết kiệm. Trong các dịp lễ tết, ngoài tiêu chuẩn của Nhà nước, công đoàn đã cố gắng lo thêm hàng hóa, thực phẩm cho cán bộ công nhân viên chức bệnh viện.

* Đoàn thanh niên

Trong giai đọan từ 1975 - 1985 đã diễn ra 5 nhiệm kỳ đại hội đoàn (mỗi nhiệm kỳ 2 năm). Đồng chí Nguyễn Thị Chiến là bí thư đoàn từ 1974-1976, đồng chí Phạm Văn Hiệp làm bí thư đoàn từ 1977 -1983, đồng chí Nguyễn Văn Dự làm bí thư đoàn từ 1984 - 1988.

Nhiệm vụ công tác đoàn lúc đó là gắn vào phong trào thi đua của đoàn viên với nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện. Ngày đó cũng là khởi đầu của cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, các phong trào văn thể mỹ trong bệnh viện cũng phát triển mạnh mẽ. Cùng với công đoàn, thanh niên toàn bệnh viện đi đầu trong phong trào tập thể dục buổi sáng, đọc báo đầu giờ chiều. Chi đoàn nhà trẻ mẫu giáo giai đoạn đó chẳng những nuôi dạy hàng trăm cháu con nhân viên mà còn đảm nhiệm cả khu tập thể bệnh viện, lo cho các cháu sinh họat hè, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết trung thu.

Giai đoạn 1979 - 1980 khi chiến tranh biên giới nổ ra nhiều đoàn viên đã tham gia nhập ngũ, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị cho bệnh viện sơ tán. Khí thế lúc đó là tiếp tục ba sẵn sàng, ra sức học tập chuyên môn nghiệp vụ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chi đoàn khoa Dinh dưỡng là ngọn cờ đầu khắc phục mọi khó khăn đưa cơm, cháo đến tận các khoa phòng, hàng ngàn suất ăn mỗi ngày đều được đảm bảo đủ khẩu phần, vệ sinh sạch sẽ.

Vào năm 1982 - 1983 số lượng đoàn viên giảm dần chỉ còn hơn 100 đồng chí, số đoàn viên có tuổi cao đã lập gia đình. Tuy vậy phong trào đoàn vẫn đảm bảo tính tiên phong, xung kích trong mọi hoạt động của bệnh viện. Đoàn Thanh niên hăng hái tham gia phong trào: “ba xung kích làm chủ tập thể”, bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn minh; đảm nhiệm những công việc khó, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

 Hàng năm, việc xếp loại thi đua của đoàn viên đạt tiêu chuẩn lao động tiên tiến gắn với đoàn viên bốn tốt. Đoàn Thanh niên bệnh viện lúc đó là nòng cốt của phong trào đoàn ngành Y tế, đoàn bệnh viện cũng là thành viên của ban chấp hành đoàn dân chính Đảng.

* Tự vệ cơ quan

Trong thời điểm này đã xảy ra chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc. Các đơn vị cơ quan phải sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đảng ủy, giám đốc bệnh viện đã chú trọng củng cố lực lượng tự vệ cơ quan, đồng chí Đinh Đăng Định được cử làm đại đội trưởng tự vệ, các đồng chí: Vũ Thị Tân, Đỗ Văn Vi làm đại đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Đắc chính trị viên. Lực lượng tự vệ còn được bố trí học tập chính trị để thấy rõ âm mưu kể thù, đề cao cảnh giác cách mạng, tập luyện quân sự để nắm vững các kỹ chiến thuật và sử dụng các vũ khí thông thường.

Với những thành tích đã đạt được trong giai đoạn này Bệnh viện vinh dự được đón nhiều đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, chính phủ, Bộ y tế và các đoàn cán bộ nước Cộng hòa Bungari về thăm.

Đồng chí Trường Chinh -  chủ tịch hội đồng nhà nước thăm khoa Nội A

Mặc dù tình hình kinh tế của đất nước, của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên, y bác sĩ bệnh viện luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Bệnh viện đã giải quyết đồng bộ những vấn đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh; chăm lo cải thiện đời sống cán bộ công nhân viên. Qua thực tiễn công tác, vai trò quản lý, điều hành của bộ máy lãnh đạo bệnh viện, đảng uỷ, các tổ chức đoàn thể được nâng lên, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

4.2.Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam -Bungari trong những năm đầu thực hiện đổi mớiđất nước (1986-1994)

Sau 10 năm (1975 - 1985) đất nước thống nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước tình trạng mất cân đối nghiêm trọng do duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Sản xuất không đủ tiêu dùng và chưa có tích luỹ. Tình trạng thiếu việc làm khá phổ biến, năng suất lao động thấp. Cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền theo Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IV) không thành công đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, tiêu cực gia tăng trong xã hội; văn hoá, giáo dục, y tế nhiều mặt xuống cấp. Nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, trong khi đó thiên tai, địch họa và tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tác động lớn đến cách mạng nước ta.

Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã họp tại Hà Nội và đề ra đường lối đổi mới: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức cán bộ và phong cách lãnh đạo của Đảng; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đề ra 10 nhiệm vụ khẩn cấp. Trong đó nhiệm vụ củng cố xây dựng Bệnh viện Việt Nam - Bungari được đưa lên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Bước vào thời kỳ mới, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn:các khoản viện trợ không hoàn lại không còn nữa; cơ sở vật chất xuống cấp; trận bão số 5 đầu tháng 9-1986 đã đánh sập 64 gian nhà khu tập thể, 157 gian nhà khu bệnh nhân bị trốc ngói.

 Trong bối cảnh khó khăn, cùng với ngành y tế, bệnh viện đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về đổi mới tư duy, nội dung, công tác và phương thức hoạt động cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Tuy nhiên, những năm đầu của thời kỳ đổi mới, nhận thức của cán bộ công nhân viên chức bệnh viện về đổi mới cơ chế hoạt động chưa thật rõ ràng. Bộ Y tế chưa ban hành kịp thời các chế độ chính sách, cơ chế mới để thực hiện chuyển hướng, trong khi đó, ngân sách Nhà nước cấp giảm dần từng năm, nguồn thu tài chính hợp pháp không có, người bệnh quen với việc được bao cấp toàn bộ thuốc men, thậm chí cả tiêu chuẩn ăn uống, nơi ở khi vào bệnh viện. Giá cả thị trường tăng nhanh kéo theo việc tăng giá các mặt hàng thuốc. Nhiều loại thuốc thiết yếu cho công tác điều trị như: thuốc cầm máu, thuốc an thần, thuốc gây mê, hạ huyết áp; dụng cụ phẫu thuật... thiếu trầm trọng.

Trước yêu cầu đổi mới đặt ra, bệnh viện đã thực hiện tốt những nội dung của Nghị quyết Đại hội VI của Đảng để hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh.

Đổi mới cơ chế hoạt động tài chính, chuyển hoạt động khám chữa bệnh từ bao cấp hoàn toàn sang thu một phần viện phí và thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Giai đoạn 1986 – 1994 trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, hoạt động  khám chữa bệnh có những thay đổi: Từ bao cấp hoàn toàn sang thu một phần viện phí, bước đầu thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy có nhiều khó khăn nhưng việc khám chữa bệnh của bệnh viện  vẫn được đảm bảo. Với tinh thần: “Không được để bệnh nhân nào đến bệnh viện mà không được khám bệnh, chữa bệnh” đặc biệt đối với bệnh nhân cấp cứu phải được ưu tiên không phụ thuộc vào tiền viện phí. Trường hợp bệnh nhân nghèo không thanh toán được tiền cho bệnh viện nhưng khi có chứng nhận và đề nghị của địa phương, bệnh viện lập danh sách và báo cáo lên UBND tỉnh, sở Y tế, sở Tài chính xin kinh phí  để bổ sung.

Từ năm 1986, Nhà nước không còn bao cấp chế độ ăn uống cho bệnh nhân (trừ khoa nội cán bộ). Ngày 22-7-1988 Liên bộ: Y tế  - Tài chính đã ban hành Thông tư 18/TT-LB hướng dẫn mức ăn của bệnh nhân là cán bộ công nhân viên chức và những người được hưởng chế độ phụ cấp của Nhà nước.

- Người có mức lương dưới 425 đồng, mức ăn là 500 đồng/ngày, cán bộ đương chức nộp 30%, người về hưu nộp 25%.

- Người có mức lương trên 425-668 đồng, mức ăn mỗi ngày 700 đồng, cán bộ đương chức nộp 39%, người về  hưu nộp 25%.

- Các đối tượng có mức lương trên 668 đồng, mức ăn mỗi ngày 900 đồng, cán bộ đương chức nộp 40%, cán bộ hưu nộp 25%.

- Người hoạt động trước cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng, đại biểu quốc hội đương nhiệm hưởng mức ăn 700 đồng/ngày, nộp 20% và nộp gạo cho bệnh viện. Từ đó bữa ăn cho cán bộ công nhân viên chức và người về hưu đến điều trị tại bệnh viện được cải thiện.

Ngoài các đối tượng được hưởng các chế độ ăn theo quy định của Nhà nước bệnh viện đã tổ chức hai cơ sở dịch vụ phục vụ ăn uống tại khoa Dinh dưỡng cũ và trước nhà C4 để phục vụ bệnh nhân với các hình thức: đổi gạo lấy cơm, mua cơm, mua phở, mua cháo. Hằng ngày, bệnh viện vẫn duy trì chế độ cung cấp nước sôi, mỗi bệnh nhân ngày được hai lít, khoa dinh dưỡng phục vụ nước uống đến từng buồng bệnh.

Ngày 24-4-1989, Hội đồng bộ trưởng đã ra Quyết định số 45-HĐBT về việc thu một phần viện phí. Ngày 15-6-1989, liên bộ: Tài chính-Y tế đã ra Thông tư số 14/TTLT BYT- BTC hướng dẫn việc thu một phần viện phí, bao gồm: Tiền ngày giường điều trị; tiền dịch vụ kỹ thuật khi khám chữa bệnh; tiền thuốc, tiền máu, tiền dịch truyền; tiền xét nghiệm, tiền phim X quang. Ngày 22-11-1989, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định số 582-QĐ/UB cho thu tiền khám chữa bệnh với những bệnh nhân bị tai nạn, mắc các bệnh do sinh hoạt không lành mạnh gây ra, bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh nhân vượt tuyến.

* Các đối tượng thu 100% :  tai nạn lao động; tai nạn giao thông, say rượu, tự tử được cứu sống, đánh người gây thương tích, khám chữa bệnh theo yêu cầu, làm thẩm mỹ.

  * Đối tượng được miễn tiền khám chữa bệnh: người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con của các liệt sỹ, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, người bị bệnh tâm thần, phong, lao; đồng bào dân tộc vùng núi cao; cán bộ hưu trí mất sức; cán bộ xã được hưởng phụ cấp; các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên; cán bộ công chức; cha mẹ, vợ chồng, người ăn theo là con thứ nhất, thứ hai dưới 18 tuổi của công nhân viên chức; trẻ em dưới 5 tuổi.

Tuy là thu một phần viện phí nhưng diện miễn thu rất rộng, các đối tượng thu viện phí còn lại ít, phần lớn là những gia đình nghèo. Tình trạng bệnh nhân xin giấy miễn viện phí do chính quyền địa phương xác nhận và đề nghị vẫn còn nhiều. Số tiền thu viện phí so với tổng chi phí của Bệnh viện không đáng bao nhiêu. Năm 1989, bệnh viện thu được 103 triệu, năm 1990 thu được 168 triệu. trong khi đó số chi của bệnh viện hàng năm như năm 1993 định mức giường bệnh 4,2 triệu đồng một năm, tổng kinh phí chi trong năm 2.310 triệu số tiền thu viện phí chiếm 7,2%, không có khả năng bù đắp và các chi phí phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện.

Trước tình hình trên, ngày 15-8-1992, Nghị định 299-NĐCP của Chính phủ về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ra đời trong đó có bảo hiểm y tế bắt buộc và bảo hiểm y tế tự nguyện. Bộ y tế đã chỉ đạo việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là sự hợp đồng giữa cơ quan bảo hiểm với bệnh viện, bệnh nhân đến khám chữa bệnh là khách hàng, các bệnh viện cần quán triệt đến cán bộ công nhân viên, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, tăng cường các trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân.

Để cụ thể hoá Nghị định 299-NĐCP, ngày 15-8-1992 của Chính phủ, ngày 20-1-1993, UBND tỉnh Thái Bình có Chỉ thị số 02-CT/UB về việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các bệnh viện trong tỉnh. Nhằm triển khai tốt chủ trương của Trung ương và của tỉnh, ngày 08-02-1993 lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế, bệnh viện đã tổ chức đoàn đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm việc triển khai khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện Việt Nam – Ba Lan, tỉnh Nghệ An. 

Đoàn thăm quan bệnh viện Việt Nam – Ba Lan tỉnh Nghệ An  do bà Đào Thị Nhật – phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn.

Sau chuyến công tác, có thêm kinh nghiệm thực tiễn UBND tỉnh đã chỉ đạo  triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở Thái Bình. Bệnh viện tiến hành sắp xếp các buồng bệnh, bố trí các phương tiện phục vụ bệnh nhân, chuẩn bị các phác đồ điều trị đối với từng chuyên khoa, các loại thuốc, tập huấn cách ghi chép thống kê và các thủ tục hành chính khi người đến khám chữa bệnh BHYT. Ngày 01-6-1993, bệnh viện chính thức triển khai khám chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện khám chữa bệnh Bảo hiểm ty tế đã tạo điều kiện cho bệnh viện có nguồn thu, có điều kiện để nâng cấp các thiết bị, phương tiện kỹ thuật; cải thiện đời sống của cán bộ công nhân viên và bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó bệnh viện còn tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự viện trợ của các nước và tổ chức phi chính phủ để có thêm nguồn lực phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.

Ngày 25-7-1987, đại sứ quán Bungari tại Việt Nam đã đến thăm và tặng quà bệnh viện, trong đó có 3 súc vải trắng, 500 chăn sợi, một hòm thuốc aspirin 32.000 viên, một kiện kháng sinh tổng hợp 6.000 viên. 

Thượng tướng Ác-gút-ka-bắc-chi-ép - Chủ tịch hội Hữu nghị Bun - Việt.

Bà Xít- tăng-đa-ru-đắc-ka - Bí thư tỉnh ủy Pe-ro- nhích, thăm Bệnh viện

(tháng 10-1987)

Ngày 29-8-1987 tổ chức Caritas của Cộng hòa liên bang Đức đã giúp bệnh viện một cơ số thuốc và y cụ gồm 76 kiện hàng. Trong đó có 16 kiện thuốc thường, 3 kiện thuốc độc bảng A, bảng B như: digoxin 2.500 ống, ergotamin 19.200 ống, procain, thiopantal là loại thuốc gây mê đầu tay bệnh viện đang rất cần, penicillin, rizamicin, tetracyclin, chlorocid, streptomycin, cortisol, moxagol, 7 kiện dịch truyền (ringer- dectran), 16 kiện bông băng, 1 kiện vải màn, 1 kiện chỉ casgutte, 1 kiện xà phòng, 1 kiện gạc, 2 kiện bơm kim nhựa, 5 kiện giường sản và xe đẩy, 1 kiện vôi chauda, 22 kiện máy thiết bị y tế, 1 bàn mổ vạn năng, 1 máy gây mê, 1 máy ổn áp, 2 máy điều hòa nhiệt độ, 2 đèn mổ.

Sau khi tổ chức Caritas đã chuyển thuốc y cụ đến giúp khoa sản bệnh viện. Ngày 10/9/1988 đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội đã về nghiên cứu  giúp thành lập bệnh viện Phụ sản và bệnh viện Nhi. Từ ngày 9/4- 14/4/1993 tổ chức Caritas đã cử bác sỹ Muller đến khảo sát toàn bộ cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị của bệnh viện và đã đi đến thống nhất: trong quý 2 năm 1993 bệnh viện làm lại hệ thống cấp thoát nước, sửa chữa nhà cửa. Quý 4 năm 1993 Caritas chuyển sang một số thiết bị y tế cần thiết. Quý một năm 1994 bệnh viện hoàn thành kế hoạch đề ra. Sau đó tổ chức Caritas tiếp tục chuyển các thiết bị còn lại tới bệnh viện. 



Chủ tịch Caritas trao hàng viện trợ cho  Bệnh viện Thái Bình  năm 1987 Bà Machinal (đoàn Caritas) thăm Bệnh viện Thái Bình năm 1987

Ngày 17-5-1989, bệnh viện tiếp nhận của tổ chức từ thiện Tây Đức 60 kg thuốc các loại. Bệnh viện đã phải thành lập một tổ các bác sĩ có trình độ ngoại ngữ để dịch các loại thuốc trên và đưa ra hội đồng khoa học của bệnh viện để có kế hoạch sử dụng từng loại thuốc.

4.2.1 Củng cố cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị

Năm 1986 đã tập trung đầu tư trang thiết bị nội thất cho ngôi nhà C4 và đưa vào sử dụng. Năm 1987, Ủy ban kế hoạch Nhà nước và tỉnh đã đầu tư xây dựng ngôi nhà hai tầng cho cán bộ công nhân viên ở khu tập thể; nhà khoa Dược ở trung tâm của bệnh viện. Sửa chữa, cải tạo ngôi nhà hai tầng của khoa sản, khoa nhi, nhà ba tầng của phòng mổ ngoại, sản, chấn thương.

Năm 1989, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hai ngôi nhà hai tầng bên khoa nội A thay thế ngôi nhà cấp bốn điều trị của cán bộ công nhân viên.

Nhà khoa Sản

Nhà khoa Khám bệnh

Nhà khoa Dược

Nhà khoa Nhi (khoa Nội B cũ)

Hệ thống điện phục vụ bệnh viện được đầu tư. Cuối năm 1987, tỉnh đã cho lắp đặt máy biến thế 380KWA, đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hoạt động khám chữa bệnh.

Hệ thống cấp nước sạch: đường ống từ thành phố vào bệnh viện đường kính nhỏ nên lượng nước rất hạn chế. Trong bệnh viện chỉ có hai bể chìm, một bể 160m3,một bể 100m3 và ba bể nhỏ mỗi bể 7m3 ở khu tập thể cán bộ công nhân viên, khoa nhi và khoa ngoại. Hằng ngày, các buồng bệnh không đủ nước dùng. Năm 1990, UBND tỉnh cho lắp đặt thêm 5 giếng khoan UNICEF ở khu nhà khoa Lây, khoa Ngoại, khoa Thần kinh, khoa Huyết học, khu nhà giặt và trước cửa nhà Tài vụ để có nước cho bệnh nhân sử dụng khi cần thiết. Bệnh viện còn xây các bể nhỏ ở khu nhà bệnh nhân; bố trí tổ nước thường trực 24/24 giờ để bơm nước phục vụ các buồng bệnh, đặc biệt ưu tiên cho nhà mổ.

Bệnh viện đã thường xuyên bảo dưỡng sửa chữa 847 giường bệnh; trong đó có 653 giường phu-ne, 185 giường thường của Bungari viện trợ và mua của công ty vật tư y tế, 445 tủ đầu giường, 02 giường bệnh có 01 tủ đầu giường, 09 giường đa năng dùng cho khoa hồi sức cấp cứu, 541 ghế đẩu dùng cho buồng bệnh, 713 chiếc màn, 458 quạt trần, 790 mền chăn bông, chăn len, chăn sợi, 473 vỏ chăn, đảm bảo phục vụ bệnh nhân khi đến nhập viện. nghiên cứu cải tiến các cột màn, nơi phơi quần áo để đảm bảo thẩm mỹ và thuận tiện cho phục vụ bệnh nhân.

Năm 1993, bệnh viện mua một máy siêu âm Siemen SL1 của Cộng hòa liên bang Đức cho khoa Chẩn đoán hình ảnh, bàn mổ đa năng cho khoa Gây mê phẫu thuật. Khoa Sinh hóa cũng có các thiết bị máy li tâm, tủ lạnh, một máy quang kế ngọn lửa. Khoa Vi sinh có các thiết bị: tủ ấm, tủ sấy, tủ lạnh, kính hiển vi. Năm 1994 nhờ có nguồn viện phí bảo hiểm y tế đã mua thêm một ghế chữa răng, máy nội soi dạ dày ống mềm, máy gây mê, máy thở, máy quang kế ngọn lửa, máy li tâm, máy điện tim.

Khoa Dược được đầu tư hai nồi hấp của Liên Xô mỗi nồi dung tích 20 lít, hai nồi hấp của Hungari, mỗi nồi hấp được 80 chai, một tủ hấp dụng cụ kiểm nghiệm thuốc, hai tủ sấy dược liệu, một máy quay viên, một máy dập viên.

Bộ phận giặt là được trang bị: ba máy giặt, trong đó có một máy giặt của Tiệp, hai máy của Nhật, một máy li tâm, một máy sấy, một máy khâu, kịp thời đáp ứng nhu cầu giặt, sấy, hấp các đồ vải cho các khoa và chăn màn cho bệnh nhân.

4.2.2.  Kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo bồi dưỡng cán bộ

Sau khi hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa  ở Đông Âu  và Liên Xô sụp đổ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bungari gặp nhiều khó khăn, phía bạn không có điều kiện giúp đỡ nước ta. Để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế, theo đề nghị của Bệnh viện, được sự nhất trí của Bộ Y tế, ngày 21- 12 - 1992, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định 495/ QĐUB đổi tên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Ban lãnh đạo bệnh viện trong giai đoạn này cũng có những thay đổi: Từ tháng 8-1986, bác sĩ Trần Văn Huyến - phó giám đốc Sở y tế kiêm Giám đốc bệnh viện. Tháng 9-1993, bác sĩ Tạ Xuân Thảo - Phó giám đốc bệnh viện được bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện thay bác sĩ Trần Văn Huyến nghỉ hưu. Các phó giám đốc bệnh viện gồm: bác sỹ Nhâm Trọng Tấn  (1988). Bác sĩ Phan Thanh Ngọc (1988), Bác sỹ Đinh Minh (1988), bác sỹ Tạ Xuân Thảo (1993), Bác sỹ Nhâm Đình Hùng (1993). Bác sỹ Nguyễn Như Chiến (1994).

Lãnh đạo bệnh viện

Các khoa, phòng của bệnh viện về cơ bản vẫn giữ nguyên. Năm 1987, bệnh viện đã tách tổ bảo vệ thuộc phòng Hành chính quản trị thành lập Ban bảo vệ trực thuộc giám đốc Bệnh viện, đồng chí Đỗ Duy Nhương, cán bộ bảo vệ nội bộ Ty Y tế được bổ nhiệm trưởng ban.

Năm 1990 thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện đã thành lập phòng y tá, lúc đầu phòng có bốn nhân viên: y tá trưởng Bệnh viện Vũ Thị Tân được bổ nhiệm trưởng phòng, y tá Trần Xuân Lợi phó trưởng phòng. Từ khi thành lập phòng y tá, hoạt động chăm sóc bệnh nhân ngày càng đi vào nề nếp.

Ngày 14-7-1990, Bộ Y tế có quyết định đổi tên phòng Y vụ thành phòng Kế hoạch tổng hợp, nhiệm vụ của phòng đã có những thay đổi, ngoài nhiệm vụ giúp giám đốc theo dõi, đôn đốc các khoa, phòng thực hiện các quy chế, chế độ, chức trách chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo và chỉ đạo tuyến. Phòng Kế hoạch tổng hợp còn có nhiệm vụ giúp giám đốc lập kế hoạch phát triển Bệnh viện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển kỹ thuật, tổng hợp các kết quả hoạt động của Bệnh viện báo cáo lên cấp trên theo quy định, lưu trữ các số liệu, tài liệu hoạt động chuyên môn của Bệnh viện.

Đến năm 1994 Bệnh viện đã có 31 khoa phòng ban, trong đó có 17 khoa lâm sàng bao gồm: khoa Nội A, nội B, khoa Lây, khoa Nhi, khoa Thần kinh, khoa Đông Y, khoa Lý liệu pháp, khoa Ngoại, khoa Sản, khoa chấn thương, khoa Tai Mũi họng, khoa Mắt, khoa Răng hàm mặt, khoa Gây mê hồi sức, khoa Cấp cứu trung tâm, khoa Da liễu, khoa Khám bệnh.

Bảy khoa cận lâm sàng: Khoa Vi khuẩn, Huyết học, Sinh hóa, khoa Điện quang, khoa Giải phẫu bệnh, khoa Dược, khoa Dinh dưỡng.

Bảy phòng chức năng gồm: phòng Tổ chức cán bộ, phòng Hành chính quản trị, phòng Tài chính kế toán, phòng Vật tư kỹ thuật, phòng Kế hoạch tổng hợp, phòng Điều Dưỡng, Ban bảo vệ.

Theo chủ trương của Bộ y tế, tháng 3 năm 1990 sáp nhập trạm cấp cứu 05 (có 28 cán bộ gồm 11 bác sỹ, 10 y tá, 1 kế toán, 6 lái xe) vào bệnh viện theo mô hình lồng ghép.

Đầu năm 1992, thực hiện chỉ thị 111 của Hội đồng bộ trưởng, bệnh viện đã tiến hành giảm biên chế hơn 100 cán bộ. Bệnh viện còn 589 cán bộ công nhân viên, trong đó có 175 bác sỹ (11 bác sỹ CKII, 24 bác sỹ CKI), 14 dược sỹ đại học (1 dược sỹ CKII), 5  đại học khác, 287 trung học (18 y sỹ trung cấp, 174 y tá trung học, 19 nữ hộ sinh trung học, 9 dược sỹ trung học, 18 trung cấp khác), hộ lý và nhân viên phục vụ 118 cán bộ.

4.2.3.  Hoạt động khám chữa bệnh

Tháng 9 - 1986 cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Thái Bình đã gây thiệt hại lớn về người và của cho tỉnh nhà. Số người chết lên tới 123 người, số người bị thương 553 người, trong đó huyện Tiền Hải chịu thiệt hại lớn nhất, số người chết 105 người, số người bị thương 354 người.

Bệnh viện ngày đêm phải bố trí cán bộ đi chi viện cấp cứu cho hai huyện Tiền Hải và Kiến Xương. Ngoài việc chi viện cấp cứu tại tuyến huyện, bệnh viện còn thu dung điều trị tại bệnh viện tỉnh 234 bệnh nhân bị thương do bão. Khoa da liễu phải nhường chỗ để khoa chấn thương tiếp nhận bệnh nhân. Khoa Ngoại vừa bố trí bệnh nhân ngoại khoa vừa phải ghép bệnh nhân bị tai nạn bão vào điều trị.

Trong số các bệnh nhân bị tai nạn do bão có 18 ca vỡ xương chậu, 62 ca gãy xương đùi và cổ xương đùi, 29 ca gãy xương cẳng chân và xương cẳng tay, 13 ca chấn thương cột sống, 21 ca chấn thương sọ não, 15 ca rách da đầu, một ca sai khớp háng, một ca vỡ bàng quang, còn lại là các vết thương phần mềm.

Bộ Y tế đã cử một đoàn cán bộ chuyên ngành chấn thương của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 354 do giáo sư Phạm Song - thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu về trực tiếp chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân sau bão tại Bệnh viện Thái Bình.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã tặng quà cho bệnh nhân và cán bộ nhân viên Bệnh viện trong đợt phục vụ tai nạn bão và tặng bằng khen cho đoàn cán bộ của Bệnh viện Việt Đức và bệnh viện 354 của quân đội.

Trong giai đoạn này cơ chế khám chữa bệnh còn nhiều bất cập nhưng với vai trò là tuyến chữa bệnh cao nhất của tỉnh, Bệnh viện đã xác định trách nhiệm của mình với sức khỏe của nhân dân trong tỉnh, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo khám chữa bệnh tốt cho nhân dân.

* Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch

Số giường bệnh năm 1986 giữ nguyên 600 giường như các năm trước. Năm 1987-1988 số giường bệng tăng lên 650 giường. Năm 1989-1991 số giường của bệnh viện giảm xuống 600 giường. Từ năm 1992-1994 mỗi năm còn 560 giường. Bình quân chung trong 9 năm, mỗi năm 600 giường kế hoạch. Tuy nhiên số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện hàng năm vẫn đông.

Qua 9 năm số người đến khám bệnh lên tới 1.164.602 bệnh nhân. Bình quân mỗi năm khám 120.400 bệnh nhân. Mỗi ngày phòng khám bệnh khám 431 bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị ngoại trú 35.628 người.

Bệnh nhân đến điều trị nội trú trong bệnh viện trong 9 năm là 239.593 bệnh nhân, bình quân mỗi năm điều trị 26.621 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có 709 bệnh nhân, đạt tỉ lệ 118% kế hoạch. Bệnh viện đã phẫu thuật 50.109 ca, bình quân mỗi năm phẫu thuật 5.567 ca (Trong đó: khoa Ngoại 12.012 ca, mỗi năm 1.334 ca, khoa Sản 5.995 ca, mỗi năm 667 ca; khoa Chấn thương 1.947 ca, mỗi năm 215 ca; khoa Tai mũi họng 11.012 ca, mỗi năm 1.344 ca; khoa Răng hàm mặt 5.475 ca, mỗi năm 667 ca; khoa Mắt 4.505 ca, mỗi năm 500 ca).

Các xét nghiệm từ năm 1986 – 1994 cả sinh hóa, huyết học, vi trùng xét nghiệm 1.832.272 tiêu bản, mỗi năm xét nghiệm 203.585 tiêu bản.

Khoa Giải phẫu bệnh còn làm các tiêu bản tử thiết và sinh thiết giúp cho việc chẩn đoán các khối u được kịp thời, chính xác. Các tiêu bản sinh thiết năm 1990 đạt 14.164 tiêu bản, năm 1991 đạt 6.772 tiêu bản.

Chiếu điện 154.296 lượt bệnh nhân, mỗi năm chiếu 17.144  lần. Số lần chụp điện 123.707, mỗi năm chụp 13.745 lần.

Hằng năm bệnh viện còn huy động 3.408 lít máu để phục vụ cho bệnh nhân nhất là những bệnh nhân mất máu cấp tính như: tai nạn, băng huyết, xuất huyết đường tiêu hóa, bình quân mỗi năm huy động được 378 lít máu.

Về thăm dò chức năng: Bệnh viện đã làm các kỹ thuật nội soi: soi ổ bụng, soi dạ dày, soi trực tràng, soi bàng quang, soi khí phế quản, đo chuyển hóa cơ bản, thăm dò chức năng không khí, làm điện tâm đồ, tâm thanh đồ. Điện tâm đồ năm 1990 đã làm 4.144 ca, năm 1991 làm 2.412 ca. Tâm thanh cơ động đồ năm 1991 đạt 200 ca. Đo chuyển hóa cơ bản năm 1990 đạt 2.472 ca, năm 1991 đạt 586 ca, năm 1992 đạt 612 ca, trong 18 tháng đã siêu âm 3.637 lượt bệnh nhân giúp cho công tác chẩn đoán và chữa bệnh được kịp thời.

Trong giai đoạn này, nhờ được đầu tư nâng cấp trang thiết bị nên các khoa đã phát triển được một số các kỹ thuật chuyên môn như: ứng dụng siêu âm trong chẩn đoán các bệnh lý về gan mật, tụy, hệ thống tiết niệu, phát hiện sớm các khối u trong cơ thể. Các xét nghiệm sinh hóa đã làm được là: uré, glucoza, protein, bilirubin, men amylaza, GOT, GPT, lipit, chotesterol, gros, marlagan, định tính protein nước tiểu, định tính sắc tố mật, muối mật.

Trong công tác khám chữa bệnh, khả năng và trình độ cấp cứu của bệnh viện đã được nâng lên. Nhiều bệnh hiểm nghèo, nhiều bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao đã được cứu sống như bệnh nhân đa chấn thương nặng, áp xe đại não do viêm tai xương chũm, vỡ gan mất máu nặng, khó thở thanh quản do bạch hầu, phẫu thuật nối bàn tay bị đứt, viêm não, màng não, phẫu thuật lác, đục thủy tinh thể…

Khoa Dược ngoài việc cung ứng thuốc, cấp phát cho các khoa phòng, còn tổ chức pha chế sản xuất huyết thanh, nước cất, thuốc novocain, sản xuất các loại thuốc dùng ngoài da như dung dịch thuốc sát trùng, dung dịch thuốc đỏ, xanh methylen, cloramin. Các loại thuốc uống: siro ho, thuốc mỡ penicillin, salycilate, thuốc nhỏ mũi dioline, thuốc nhỏ mắt chlorcid, sulfacilum, argyrol. Các loại cồn caralaralin, lygol, thuốc hạ huyết áp đông y, thuốc chữa sỏi thận, thấp khớp, viên hoàn bổ máu, thuốc bổ dạ dày, bột vị linh chữa bệnh đường ruột, cồn ASA, ... đã tự túc một lượng thuốc đáng kể để phục vụ bệnh nhân. Nhờ việc pha chế dịch truyền đã giúp công tác phẫu thuật được phát triển giúp các khoa điều trị cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Năm 1993 bệnh viện đã triển khai mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện ở các khoa Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Nội A và khoa Thần kinh.  Năm 1993-1994 bệnh viện đã tổ chức các hội thi cho điều dưỡng, kỹ thuật viên có tay nghề giỏi để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ điều dưỡng bệnh viện. Hội thi được tổ chức từ cấp cơ sở là các khoa lâm sàng và cận lâm sàng sau đó lựa chọn các thí sinh xuất sắc tham gia hội thi của toàn bệnh viện. Hội thi được UBND tỉnh, Sở y tế rất quan tâm. Hội thi đầu tiên được tổ chức năm 1993 lấy tên  là “Hội thi xuân”. Hội thi được đồng chí Đào Thị Nhật phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến chỉ đạo và động viên. Trong “Hội thi xuân” Đồng chí Nguyễn Thị Nụ - y tá trưởng khoa Ngoại, đồng chí Vũ Thị Phúc – nữ hộ sinh khoa Sản, đồng chí Vũ Thị Nuôi – kỹ thuật viên trưởng khoa huyết học đạt giải nhất cuộc thi. Bệnh viện đã tuyển chọn đoàn dự thi toàn tỉnh do Sở Y tế tổ chức.

Năm 1994 “Hội thi y tá kỹ thuật viên giỏi thanh lịch” đã lôi cuốn nhiều cán bộ tham gia, sau khi thi ở các khoa đã lựa chọn 49 thí sinh dự thi cấp bệnh viện, sau đó đã lựa chọn được đoàn đi dự thi toàn tỉnh.

Bà Đào Thị Nhật dự khai mạc“Hội thi xuân”

* Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến

Trong thời gian này, bệnh viện tiếp tục cử các bác sĩ tham gia đào tạo, học tập nâng cao trình độ chuyên môn ở Bungari như các bác sĩ: Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Nguyễn Thị Xê - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Nguyễn Thị Lanh - Phó trưởng khoa Nhi, Nguyễn Ngọc Thắng - chuyên khoa ngoại.

Hàng năm bệnh viện còn khuyến khích bố trí để các bác sỹ, dược sỹ đại học của bệnh viện đi học sau đại học: chuyên khoa I, chuyên khoa II, cao học. Động viên các y tá đi học cử nhân điều dưỡng, ngoài ra còn sắp xếp cho cán bộ công nhân viên đi học chính trị, ngoại ngữ.

Đối với cán bộ lãnh đạo trưởng phó khoa còn được sắp xếp đi học quản lý nhà nước tại trường Đảng của tỉnh.

Bệnh viện còn thường xuyên mời các giáo sư đầu ngành của Trung ương về thăm và giúp đỡ Bệnh viện trong những đợt phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Giáo sư viện trưởng Viện Mắt Trung ương thăm làm việc tại khoa mắt năm 1990.

Giáo sư Trần Văn Trường-viện Răng hàm mặt Trung ương

về triển khai chương trình nha học đường tại Thái Bình.

Đoàn cán bộ bệnh viện Bạch Mai thăm và làm việc tại bệnh viện

Công tác nghiên cứu khoa học cũng luôn luôn được coi trọng, hàng năm bệnh viện đều có các đề tài và  sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 1986 có 13 đề tài (có 02 đề tài cấp ngành) và 39 sáng kiến cải tiến. Năm 1987 có 31 đề tài (03 đề tài cấp ngành) và 25 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Các năm sau có 21 đề tài nghiên cứu và 29 sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Có những đề tài đã được báo cáo ở hội nghị khoa học của Bộ Y tế và được đăng trong tạp trí Y học thực hành.

Hàng năm bệnh viện tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn phòng chống các bệnh lây nhiễm; tham gia công tác y tế cộng đồng: phòng chống bại liệt, ỉa chảy, chống khô mắt thiếu Vitamin A, phục hồi chức năng, tiêm chủng mở rộng... Kết hợp với các bệnh viện tuyến huyện khám bệnh các đối tượng chính sách, người cao tuổi. Các khoa lâm sàng, cận lâm sàng đều tham gia chỉ đạo tuyến huyện; đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới. Bệnh viện  đã mở các lớp bồi dưỡng chuyên khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, truyền máu, xử lý cấp cứu cho 36 bác sỹ và 20 kỹ thuật viên các bệnh viện trong tỉnh Trong đó có 8 bác sỹ Sản, 5 bác sỹ Ngoại, 2 bác sỹ Tai mũi họng, 3 bác sỹ Mắt, 2 bác sỹ Huyết học, 2 bác sỹ Sinh Hóa, 5 bác sỹ Vi Khuẩn.

Bệnh viện còn quản lý và điều trị ngoại trú phòng thấp cấp I cho các cháu, hàng tháng bệnh viện theo dõi và điều trị cho 154 cháu. Bệnh viện còn được sở y tế phân công phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác nha học đường chăm sóc răng miệng cho các cháu học sinh trong toàn tỉnh. Trước năm 1993, bác sỹ Kiều Hữu Liệt được giao phụ trách chương trình nha học đường. Từ năm 1994, bác sỹ Trần Bình Minh phụ trách công tác nha học đường.

4.2.4. Công tác xây dựng đảng và các tổ chức đoàn thể

* Công tác xây dựng Đảng

 Từ năm 1987 đến năm 1994, Đảng bộ bệnh viện đã tiến hành bốn kỳ đại hội 17, 18, 19, 20. Đồng chí Đỗ Đình Hòe bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 17 (1985 – 1987), đồng chí Phan Thanh Ngọc được bầu làm bí thư đảng uỷ bệnh viện trong 3 nhiệm kỳ:18, 19, 20 (1987-1994).

- Đại hội Đảng bộ khóa 17 (1985-1987) họp trong hai ngày 29 và 30-3-1985 có 89 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí, ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Đỗ Đình Hòe, phó bí thư đồng chí Nhâm Trọng Tấn.

- Đại hội Đảng bộ khóa 18 (1987-1988) họp trong hai ngày 21 và 22-5-1987 có 75 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 13 đồng chí, ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Phan Thanh Ngọc, phó bí thư đồng chí Phạm Duy Tinh.       

- Đại hội Đảng bộ khóa 19 (1989-1991) họp trong hai ngày 18 và 19-8-1989 có 136 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí, ban thường vụ 5 đồng chí. Bí thư đồng chí Phan Thanh Ngọc, phó bí thư đồng chí Phạm Duy Tinh.       

- Đại hội Đảng bộ khóa 20 (1991-1994) họp ngày 14-11- 1991 có 100 đại biểu. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí, ban thường vụ 5 đồng chí.  Bí thư đồng chí Phan Thanh Ngọc, phó bí thư đồng chí Nhâm Đình Hùng.     

Từ năm 1986-1994, Đảng bộ bệnh viện có 19 chi bộ: Chi bộ phòng Khám bệnh, Chi bộ khoa Nội A, chi bộ khoa Nội B, chi bộ khoa Lây, chi bộ khoa Nhi, chi bộ khoa Hồi sức cấp cứu, chi bộ khoa Thần kinh, Da liễu, Đông y, chi bộ 3 chuyên khoa, chi bộ Nhà mổ, chi bộ khoa Sản, chi bộ khoa Ngoại, chi bộ khoa Chấn thương, chi bộ Cận lâm sàng, chi bộ khoa Dược, chi bộ phòng Hành chính quản trị, chi bộ phòng Tổ chức - công đoàn, chi bộ phòng Y vụ, chi bộ khoa Dinh dưỡng, chi bộ Giám định y khoa.

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, Đảng ủy, lãnh đạo bệnh viện đã triển khai học tập Nghị quyết số 37/CP của Chính phủ và thực hiện bốn mục tiêu cơ bản về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, chương trình môi sinh của Bộ Y tế. Trong đó tập trung: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, giảm phiền hà đối với người bệnh”.

Trước những biến động của tình hình thế giới, nhiệm vụ của công tác xây dựng đảng là xây dựng đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ bệnh viện luôn kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đảng ủy đã gắn công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với việc xây dựng chương trình hành động của cấp ủy. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.

Trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy, Đảng bộ bệnh viện đã lãnh đạo, củng cố, kiện toàn các phòng, khoa, đoàn thể nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc ra quyết định về nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức cán bộ, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngày càng đi vào nề nếp. Lãnh đạo chặt chẽ công tác kiểm tra thực hiện Điều lệ Đảng, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp ủy.

* Tổ chức công đoàn

Từ năm 1986 - 1995 đã diễn ra bốn kỳ đại hội công đoàn: 18, 19, 20, 21

- Đại hội công đoàn bệnh viện khóa 18 (1986-1986) họp ngày 16-8-1986. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 14 đồng chí. Chủ tịch đồng chí Nhâm Trọng Tấn, phó chủ tịch đồng chí Hoàng Thị Mận.

- Đại hội công đoàn bệnh viện khóa 19 (1987-1989) họp ngày 27-8-1987. Có 154 đại biểu, đại hội bầu ban chấp hành gồm 16 đồng chí. Chủ tịch đồng chí Phạm Tiến Lan, phó chủ tịch đồng chí Hoàng Thị Mận.

- Đại hội công đoàn bệnh viện khóa 20 (1989-1992) họp ngày 10-10-1989. Có 132 đại biểu, đại hội bầu ban chấp hành gồm 14 đồng chí. Chủ tịch đồng chí Phạm Tiến Lan, phó chủ tịch đồng chí Vũ Tăng Gia.

- Đại hội công đoàn bệnh viện khóa 21 (1992-1995) đại hội bầu ban chấp hành gồm 15 đồng chí. Chủ tịch đồng chí Phạm Tiến Lan, phó chủ tịch đồng chí Vũ Tăng Gia.

Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong giai đoạn này là vận động cán bộ đoàn viên công đoàn thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế hoạt động tài chính trong khám chữa bệnh như: thu một phần viện phí, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên công đoàn để nâng cao nhận thức về những biến động của tình hình chính trị thế giới và những khó khăn khi chuyển đổi nền kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời động viên cán bộ công chức khắc phục những khó khăn của cuộc điều chỉnh giá lương, tiền.

Cũng như người dân trong cả nước, đời sống của cán bộ, nhân viên, y bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng hết sức khó khăn. Mọi nhu cầu cho cuộc sống đều theo chế độ bao cấp; bình quân đầu người mỗi tháng được 3- 5 lạng thịt, 1/2 lít nước mắm, 3- 5 lạng đường và 13- 15 kg gạo, khi không đủ gạo thì thay thế bằng mỳ hạt do nước ngoài viện trợ. Mỗi năm được cấp 05 mét phiếu vải để may quần áo, bát đĩa, xoong nồi, phụ tùng xe đạp mỗi năm một, hai lần phân phối về cơ quan, các tổ tự bình xét, nhường nhịn cho nhau người trước, người sau. Ban ngày làm việc trong bệnh viện, ngoài giờ hành chính, một số cán bộ nhân viên làm thêm các công việc: chăn nuôi, trồng trọt, rút mây, đan làn xuất khẩu, bóc lạc thuê cho ngoại thương để cải thiện sinh hoạt gia đình. Tình hình đó đã khiến cho một bộ phận cán bộ, nhân viên, y bác sĩ có tư tưởng chân trong, chân ngoài, không yên tâm công tác.

Để ổn định tình hình, được sự nhất trí của tỉnh, từ tháng 2-1989, Đảng ủy, ban giám đốc, ban chấp hành công đoàn cho đấu thầu mặt tiền của bệnh viện làm khu dịch vụ; trước hết ưu tiên cho các cán bộ công nhân viên của bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn. Bệnh viện còn tổ chức hai khu dịch vụ ăn uống ở cơ sở nhà ăn cũ và trước cửa nhà ba tầng khoa ngoại; đồng thời, mở quán nước ở khu khám bệnh đa khoa, các quầy bán thuốc để phục vụ bệnh nhân. Được nhà nước cho phép, một số các chuyên khoa có điều kiện đã mở thêm dịch vụ chữa bệnh ngoài giờ. Những năm sau đó nhờ có nguồn thu viện phí nhà nước cho phép trích 35% để làm lương cho cán bộ công nhân viên nên đời sống của cán bộ công nhân viên dần dần được cải thiện.

   Ngày 13-1-1991, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 74-UB thu hồi 7.245.000 m2 đất thuộc khu tập thể của bệnh viện; giao quyền cho giám đốc bệnh viện dưới sự giám sát của phòng nhà đất UBND thị xã Thái Bình và thống nhất việc thu lệ phí đất, hóa giá các ngôi nhà khu tập thể cho cán bộ công chức bệnh viện. Số tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước. Đảng ủy, giám đốc bệnh viện, công đoàn, cán bộ chủ chốt của các phòng ban, ban quản lý khu tập thể đã thống nhất đề nghị cấp trên cấp đất cho 130 hộ gia đình công khai, minh bạch. Những gia đình cán bộ công nhân viên có điều kiện chưa xây dựng nhà riêng tạm thời sử dụng ngôi nhà hai tầng của khu tập thể mới xây và nhà hai tầng của khoa Dược cũ. Khó khăn được tháo gỡ đã tạo ra không khí hồ hởi phấn khởi trong cán bộ, nhân viên của bệnh viện, mọi người đều yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

*  Đoàn thanh niên

Trong giai đoạn 1986 - 1995 số lượng đoàn viên hết tuổi sinh họat đoàn tăng dần, số lượng đoàn viên trong bệnh viện giảm dần, đến năm 1989 - 1990 trong bệnh viện không còn lực lượng thanh niên. Các hoạt động phong trào đều do công đoàn tổ chức phát động, đoàn thanh niên bệnh viện thời kỳ này hoạt động không được rõ nét. Ngày 18-8-1989 Đại hội Đảng bộ bệnh viện khóa 19 thống nhất ý kiến không giải thể tổ chức đoàn thanh niên, Đảng  ủy bệnh viện giao cho đồng chí Phạm Duy Tinh và đồng chí Chấn phụ trách phân đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

* Đội tự vệ

Đồng chí Đinh Đăng Định – đại đội trưởng từ 1986-1987, đồng chí Vũ Thị Tân, Nguyễn Thị Loan,  Nguyễn Thị Len, Đỗ Văn Vi đại đội phó. Từ 1988-1994 đồng chí Đỗ Văn Chấn – văn phòng Đảng ủy được thị đội giao nhiệm vụ phụ trách tự vệ cơ quan. Tuy trong điều kiện hòa bình nhưng hàng năm tự vệ vẫn tham gia huấn luyện quân sự, năm nào cũng đạt thành tích cao trong các kỳ bắn đạn thật. Ngoài ra còn tham gia phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bão và là nòng cốt trong việc bảo vệ cơ quan; được đánh giá là đơn vị có đội tự vệ mạnh về mọi mặt.

4.2.5. Bệnh viện với phong trào thi đua

Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng phong trào thi đua của bệnh viện vẫn được giữ vững. Năm 1986 có 509 cán bộ đạt lao động tiên tiến, 21 cán bộ đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, 10 đơn vị đạt tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Năm 1987 số lao động tiên tiến đạt 569 người, 21 cán bộ được bầu là chiến sỹ thi đua, 8 cán bộ được công nhận cấp bằng sáng tạo, 10 đơn vị giữ được danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Năm 1988 số lao động tiên tiến tăng lên 577 người, 21 cán bộ đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, 12 đơn vị được công nhận tổ lao động XHCN.

Bên cạnh thành tích chung của Bệnh viện nhiều khoa phòng đã có thành tích nổi bật được Đảng, Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như: Ban bảo vệ được tặng huân chương chiến công hạng III. Khoa Nội A được tặng thưởng huân chương lao động hạng III và hai khoa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Năm 1992 bác sỹ Vũ Thị Ngọc Dậu – phó trưởng khoa Sản được bầu làm đại biểu quốc hội khóa 9 (1992-1997).

Hội nghị tổng kết bệnh viện năm 1992

Trong những năm 1986 – 1994, hàng năm đến ngày thầy thuốc Việt Nam: tỉnh ủy, UBND tỉnh các sở ban ngành, các cơ quan trên địa bàn thành phố đã đến chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam, chúc mừng và tặng quà cán bộ công nhân viên bệnh viện. Ngày 27/2/1988 đồng Chí Cao Sỹ Kiêm bí thư tỉnh ủy chúc mừng ngày thầy thuốc Việt Nam chúc mừng các thầy thuốc cùng cán bộ công nhân viên trong bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Bungari, bác sỹ Đỗ Mạnh Tuân thay mặt các thầy thuốc cùng cán bộ công nhân viên cảm ơn sự quan tâm của tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân  tỉnh, các ngành trong tỉnh, cảm ơn sự quan tâm tới đội ngũ thầy thuốc của đồng chí bí thư tỉnh ủy. 

Đồng chí Cao Sỹ Kiêm -Bí thư tỉnh ủy chúc mừng cán bộ công nhân viên bệnh biện ngày 27/2/1988 Bác sỹ Đỗ Mạnh Tuân – trưởng khoa Ngoại phát biểu cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo và các ngành trong tỉnh

Ngày 19-11-1992, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trọng Nhân cùng đoàn cán bộ về thăm và làm việc tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, cùng đi với  Bộ trưởng tham quan các khoa phòng trong bệnh viện có bác sỹ Nguyễn Đức Doanh – giám đốc Sở y tế, các đồng chí lãnh đạo của bệnh viện. 

Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trọng Nhân thăm và làm việc tại bệnh viện năm 1992

 

COPYRIGHT © BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH THÁI BÌNH

530 Lý Bôn, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình / Điện thoại: (0227) 3831042   * Email: dakhoathaibinh@gmail.com