1. Quá trình hình thành và phát triển
Trước năm 1945, Nhà thương Thái Bình thành lập đội y tá lưu động do một y sỹ Đông Dương phụ trách. Nhiệm vụ của đội y tá lưu động là về các phủ, huyện và các vùng nông thôn để chữa bệnh mắt hột cho dân, đồng thời, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh.
Năm 1946, bệnh viện sơ tán về các vùng nông thôn, mặc dù trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng bệnh viện vẫn cử một bộ phận cán bộ tăng cường, phối hợp cùng với phòng khám, Nhà hộ sinh Kinh Nhuế (nay là xã Hòa Bình huyện Kiến Xương) để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cũng trong những năm sơ tán, bệnh viện đã tổ chức các buổi huấn luyện về cứu thương cho cán bộ y tế xã tại đình Cổ Hội, xã Thượng Phương Hội Phú, huyện Đông Quan (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng).
Năm 1951, bệnh viện đã mở lớp đào tạo cho cán bộ y tế, nữ hộ sinh xã ở các huyện phía Nam đường 10, mở lớp đào tạo nữ hộ sinh, y tá cho các xã phía bắc đường 10 giúp cho mạng lưới y tế cơ sở nâng cao trình độ chuyên môn.
Năm 1953, bệnh viện tiếp tục chiêu sinh mở các lớp y tá, nữ hộ sinh cho các xã và tiếp tục đào tạo lớp y tá hộ sinh cho khu y tế tả ngạn.
Năm 1954, theo sự chỉ đạo của Ty Y tế, bệnh viện thành lập thêm hai đội cấp cứu hỏa tuyến: một đội ở Văn phòng Ty để có thể chi viện cho bất cứ nơi nào khi cần thiết do y sỹ Đặng Hồi Xuân phụ trách. Một đội ở Thụy Anh do ông Hà Mai Tiếu phụ trách. Những năm sau đó, công tác tuyến dưới hình thức chi viện và đào tạo tại cơ sở vẫn diễn ra thường xuyên.
Năm 1966, bệnh viện đã đào tạo được 47 y sỹ chi viện cho chiến trường miền Nam và 15 y sỹ xã; mở các lớp đào tạo ngoại khoa, chuyên khoa gây mê hồi sức và truyền máu cho các bệnh viện trong tỉnh.
Từ năm 1975, công tác chỉ đạo tuyến là hướng dẫn tổ chức xây dựng các chuyên khoa, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, trọng tâm về ngoại khoa, sản khoa, truyền máu và các chuyên khoa Mắt, Tai - mũi - họng, Răng - hàm - mặt. Hằng năm, bệnh viện tổ chức cho các khoa đi xuống các tuyến huyện để kiểm tra, đánh giá, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời tiếp nhận đào tạo tại bệnh viện tỉnh cho cán bộ các bệnh viện huyện, thành phố.
Trước khi có phòng chỉ đạo tuyến, hoạt động chỉ đạo tuyến do phòng Y vụ trực tiếp tổ chức thực hiện.
Ngày 01-09-2009, phòng Chỉ đạo tuyến chính thức được thành lập theo quyết định số 275/QĐ-BV, Thạc sỹ Lại Đức Trí- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp kiêm Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng.
Chức năng nhiệm vụ của phòng: tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới, tiếp nhận kỹ thuật của tuyến trên, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Năm 2012, bệnh viện được Bộ Y tế cấp mã ngành đào tạo và giao cho hai khóa đào tạo theo đề án 47, đề án 930. Đây là đề án đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Phòng Chỉ đạo tuyến đã tham mưu cho bệnh viện tổ chức đào tạo hai lớp Xquang cơ bản và Hồi sức cấp cứu cơ bản, thời gian 3 tháng cho bác sỹ các bệnh viện huyện, tỉnh Thái Bình và đã cấp chứng chỉ đào tạo liên tục cho 50 học viên.
Năm 2013, tổ chức hai lớp: Cấp cứu tim mạch - đọc điện tim, thời gian 2 tháng và Siêu âm ổ bụng tổng quát, thời gian 3 tháng theo Đề án 47, Đề án 930 với 50 học viên tham gia, trong đó có những học viên của các cơ sở y tế tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện tổ chức đào tạo cho các học viên thuộc các bệnh viện tỉnh ngoài.
2. Tổ chức nhân sự
- Cán bộ tiền nhiệm: Lại Đức Trí, Ngô Thị Lan Anh.
- Cán bộ đương nhiệm: Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Thị Quỳnh Anh, Lê Thị Bích Diệp và ba cán bộ kiêm nhiệm là: Thạc sỹ: Nguyễn Đức Trọng, Nguyễn Văn Thăng, BsCKI Hoàng Xuân Hải.