Trang chủ > Hoạt động chuyên môn > Chăm sóc người bệnh  

Chăm sóc người bệnh

Tăng huyết áp - Kẻ giết người thầm lặng

| 14:45 | 26/05/2022

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh lý khá phổ biến, thường gặp nhất trong số các bệnh lý tim mạch ở hầu hết các nước trên thế giới, phần lớn các trường hợp không tìm được nguyên nhân (chiếm khoảng 90%)

         Tăng huyết áp (THA) là một bệnh lý khá phổ biến, thường gặp nhất trong số các bệnh lý tim mạch ở hầu hết các nước trên thế giới, phần lớn các trường hợp không tìm được nguyên nhân (chiếm khoảng 90%). Tỷ lệ mắc THA có xu hướng ngày càng gia tăng nhanh chóng và tăng dần theo tuổi, là mối đe dọa đến sức khỏe mỗi người và đang là vấn đề sức khỏe toàn cầu Theo tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO).

         1. TỔNG QUAN VỀ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

         Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Huyết áp gồm có hai con số (ví dụ 140/80mmHg, 130/90mmHg). Số cao hơn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa), số thấp hơn là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu). Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) và Hội Tăng huyết áp Quốc tế (international Society of hypertension - ISH) đã thống nhất tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg, hoặc đang sử dụng thuốc điều trị THA. Con số này có được do các nghiên cứu lớn về dịch tễ trên thế giới cho thấy có sự gia tăng đặc biệt nguy cơ tai biến mạch máu não ở người lớn có con số huyết áp ≥ 140/90 mmHg cao hơn rõ rệt ở người có số huyết áp < 140/90 mmHg.

         Tăng huyết áp là bệnh diễn biến thầm lặng qua nhiều năm tháng, đa phần phát hiện tình cờ hoặc chỉ khi bệnh nhân có biến chứng mới được phát hiện. Tăng huyết áp gây ra nhiều hậu quả xấu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy thận…

         2. NGUYÊN NHÂN BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

         Tăng huyết áp nguyên phát (trước đây gọi là tăng huyết áp “vô căn” ) có thể đó là kết quả của nhiều yếu tố di truyền và môi trường có nhiều ảnh hưởng phức tạp tới cấu trúc và chức năng của tim mạch và thận.

         Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp nguyên phát

         Mặc dù nguyên nhân chính xác của tăng huyết áp nguyên phát vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có liên quan mạnh mẽ và độc lập với sự phát triển tăng huyết áp nguyên phát, bao gồm:

         ● Tuổi:  Tuổi càng cao thì huyết áp càng tăng, đặc biệt là huyết áp tâm thu và tỷ lệ tăng huyết áp càng cao.

         ● Béo phì: Béo phì và tăng cân là những yếu tố nguy cơ chính của tăng huyết áp và cũng là những yếu tố quyết định đến sự gia tăng huyết áp thường thấy ở người già.

         ● Tiền sử gia đình: Tỷ lệ mắc tăng huyết áp tăng gấp đôi ở những người có cha hoặc mẹ hoặc cả 2 mắc tăng huyết áp và nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã cho thấy các yếu tố di truyền chiếm khoảng 30% sự thay đổi huyết áp ở các quần thể khác nhau.

         ● Chủng tộc: Tăng huyết áp có xu hướng phổ biến hơn, nặng hơn, xuất hiện sớm hơn và có liên quan đến tổn thương cơ quan đích lớn hơn ở người da đen.

         ● Số lượng ống thận (nephron) giảm: Số lượng ống thận giảm ở người lớn có thể dẫn đến tăng huyết áp mà có thể liên quan đến các yếu tố di truyền, rối loạn phát triển thai nhi trong tử cung (ví dụ: Do thiếu oxy, do thuốc, do thiếu dinh dưỡng), sinh non và môi trường sau sinh (ví dụ: Suy dinh dưỡng, nhiễm trùng).

         ● Chế độ ăn nhiều muối: Hấp thu quá nhiều natri (> 3000 mg/ngày) làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và việc hạn chế hấp thu natri làm giảm huyết áp.

         ● Uống nhiều rượu: Hấp thu quá nhiều rượu có liên quan đến tăng huyết áp.

         ● Ít hoạt động thể chất: Ít hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và tập thể dục thể thao là phương pháp hiệu quả để hạ huyết áp.

        ● Bệnh đái tháo đường và rối loạn lipid máu: Sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm đái tháo đường và rối loạn lipid máu dường như có liên quan đến tăng nguy cơ tăng huyết áp.

         ● Đặc điểm tính cách và trầm cảm: Tăng huyết áp có thể xuất hiện phổ biến hơn ở những người có đặc điểm tính cách nhất định, ví dụ hay tức giận, thiếu kiên nhẫn, cũng như những người bị trầm cảm.

         Tăng huyết áp thứ phát: một số bệnh phổ biến và không phổ biến có thể làm tăng huyết áp và dẫn đến bệnh tăng huyết áp thứ phát. Các nguyên nhân chính của tăng huyết áp thứ phát bao gồm:

         ● Thuốc cần kê đơn hoặc không cần kê đơn:

            + Thuốc tránh thai đường uống, đặc biệt là những thuốc chứa hàm lượng estrogen cao, thường có thể làm tăng huyết áp trong giới hạn bình thường nhưng cũng có thể gây ra tăng huyết áp quá mức.

            + Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), đặc biệt khi dùng kéo dài.

            + Thuốc chống trầm cảm, bao gồm thuốc chống trầm cảm loại ba vòng và các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.

            + Glucocorticoids.

            + Thuốc chống sung huyết (thuốc co cuốn mũi hoặc thuốc thông mũi) như pseudoephedrine.

            + Thuốc giảm cân.

            + Erythropoietin.

            + Cyclosporine.

            + Chất kích thích bao gồm methylphenidate và amphetamine.

         ● Sử dụng ma túy: Như methamphetamines và cocaine có thể làm tăng huyết áp.

         ● Bệnh thận nguyên phát: Cả bệnh thận cấp tính và mạn tính, đặc biệt là các rối loạn cầu thận hoặc mạch thận, có thể dẫn đến tăng huyết áp.

         ● Cường aldosteron nguyên phát: Cần nghi ngờ có tình trạng dư thừa hormon chuyển hóa muối nước (mineralocorticoid) nguyên phát, chủ yếu là aldosterone, ở những bệnh nhân có tam chứng: Tăng huyết áp, hạ kali máu không giải thích được và nhiễm kiềm chuyển hóa. Tuy nhiên, có tới gần 50% bệnh nhân có nồng độ kali máu bình thường. Cũng nên nghi ngờ cường aldosteron nguyên phát ở bệnh nhân có tăng huyết áp kháng trị.

         ● Tăng huyết áp do mạch thận:  Bệnh lý mạch thận là rối loạn tương đối phổ biến. Tăng huyết áp do mạch thận thường do loạn sản xơ cơ ở người trẻ và do xơ vữa động mạch ở người cao tuổi.

         ● Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Rối loạn hô hấp khi ngủ dường như là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp.

         ● U tủy thượng thận:  U tủy thượng thận là nguyên nhân hiếm gặp của tăng huyết áp thứ phát.  Khoảng một nửa số bệnh nhân u tủy thượng thận có tăng huyết áp, còn lại hầu hết có biểu hiện của tăng huyết áp nguyên phát.

         ● Hội chứng Cushing: Hội chứng Cushing là một nguyên nhân hiếm gặp gây tăng huyết áp thứ phát, nhưng tăng huyết áp lại là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân mắc hội chứng Cushing.

         ● Các rối loạn nội tiết khác: Suy giáp, cường giáp và cường cận giáp cũng có thể gây tăng huyết áp.

         ● Hẹp động mạch chủ:  Hẹp động mạch chủ là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể xuất hiện ở người lớn

         3. NHẬN BIẾT TRIỆU CHỨNG TĂNG HUYẾT ÁP

         Triệu chứng tăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà gây ra thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám một bệnh khác hoặc khám định kỳ mới phát hiện cao huyết áp, trong khi trước đó không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng huyết áp nào.

         Một số trường hợp có thể có các triệu chứng cao huyết áp thoáng qua như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,... Một số bệnh nhân khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn, chẳng hạn như đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.

         4. PHÒNG NGỪA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

         ● Chế độ ăn: giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật

         ● Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần 

         ●  Bỏ thuốc lá, thuốc lào 

         ● Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2

         ● Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ

         ● Hạn chế uống rượu bia

         ● Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lí

         5. CÁC BIỆN PHÁP CHẨN ĐOÁN BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

         Chẩn đoán tăng huyết áp chỉ cần đo huyết áp theo quy trình chuẩn tại phòng khám. Hoặc có thể đeo Holter huyết áp (theo dõi huyết áp 24h), tự đo huyết áp tại nhà.

    • Nếu đo huyết áp tại phòng khám: tăng huyết áp khi huyết áp  ≥ 140/90mmHg
    • Đo huyết áp bằng máy Holter: tăng huyết áp khi huyết áp trung bình ban ngày ≥ 135/85mmHg, huyết áp trung bình ban đêm ≥ 120/70mmHg
    • Tự đo huyết áp tại nhà nhiều lần: tăng huyết áp khi huyết áp ≥ 135/85 mmHg

          6. ĐIỀU TRỊ BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP TẠI BVĐK TỈNH THÁI BÌNH

         Tăng huyết áp là bệnh cần điều trị suốt đời, không thể bỏ thuốc. Cần duy trì uống thuốc đều đặn, tránh trường hợp đo huyết áp thấy cao mới uống. Mục tiêu điều trị đối với tất cả bệnh nhân là đưa huyết áp xuống dưới 140/90mmHg. Những đối tượng đặc biệt có thể đưa huyết áp xuống thấp hơn ở mức 130/80mmHg. Dùng thuốc tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ.

         Trung tâm tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người bệnh đến khám và điều trị các bệnh lý về tăng huyết áp. Tại đây, người bệnh được các bác sĩ chuyên ngành tim mạch, giàu kinh nghiệm khám, tư vấn về phương pháp điều trị bệnh tăng huyết áp, chế độ dinh dưỡng, luyện tập giúp phòng ngừa các biến chứng. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp như: Can thiệp tim mạch, Holter huyết áp, Holter điện tim, siêu âm tim mạch….

    Phòng khám Nội tim mạch tại khoa Khám bệnh

     

    Can thiệp tim mạch

         Khi bị huyết áp cao, để đảm bảo an toàn và yên tâm nhất về tình trạng sức khỏe của mình, người bệnh có thể đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Với đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản,cùng với trang thiết bị công nghệ hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đến khám tại phòng khám Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, người bệnh sẽ được thăm khám để xác định nguyên nhân, biến chứng và cấp độ tăng huyết áp, từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

         Tăng huyết áp hay cao huyết áp đang dần trở nên phổ biến và nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe nguy hiểm.

         Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng 19001990.

    NGUỒN CTXH

    Số lượt xem: 295 Gửi cho bạn bè      In trang này
    >> CÁC TIN KHÁC
     

    .

    COPYRIGHT © BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH THÁI BÌNH

    530 Lý Bôn, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình / Điện thoại: (0227) 3831042   * Email: dakhoathaibinh@gmail.com