Trong cơ thể, thận khỏe mạnh bình thường có thể bảo đảm chức năng duy trì được sự cân bằng nước và điện giải; loại bỏ chất độc của cơ thể ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu; sản xuất ra các chất men renin giúp điều chỉnh huyết áp; sản sinh ra erythropoetin kích thích tạo tế bào hồng cầu và chuyển hóa tiền vitamin D thành vitamin D để cung cấp cho xương. Khi các chức năng sinh lý bình thường của thận không được đảm bảo sẽ gây ra sự mất cân bằng điện giải, các chất độc sẽ ứ đọng lại trong cơ thể, đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thận nhân tạo là một phương pháp lọc máu ngoài thận để lấy đi khỏi cơ thể những sản phẩm cặn bã và lượng nước dư thừa. Lọc máu ngăn việc các chất thải trong máu đạt đến mức nguy hiểm, giúp cải thiện, kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp này cũng có thể loại bỏ độc tố hoặc thuốc trong máu trong trường hợp khẩn cấp.
-
Trường hợp nào cần phải chạy thận nhân tạo?
-
Người bệnh suy thận giai đoạn cuối có mức lọc cầu thận ≤ 15ml/phút/1,73m2.
-
Trong các trường hợp lọc máu cấp cứu.

Phòng lọc máu tại đơn nguyên Thận nhân tạo
-
Đảm bảo an toàn trong chạy thận nhân tạo
Để đảm bảo an toàn trong chạy thận nhân tạo, nhân viên y tế cần phải thực hiện các hướng dẫn an toàn người bệnh, tránh gây ra các sự cố đáng tiếc.
-
Xác định chính xác người bệnh:
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để xác định chính xác người bệnh cần dựa vào ít nhất 3 thông tin tin cậy để xác định chính xác người bệnh như: họ tên, tuổi, ngày sinh, giới tính, địa chỉ,… hoặc có thể sử dụng thêm các biện pháp để định danh chính xác như vòng đeo tay, bảng tên, mã Barcode…
Hiện nay bệnh viện Đa khoa tinh Thái Bình đang sử dụng vòng đeo tay có ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, khoa điều trị để định danh bệnh nhân.
Không xếp 2 bệnh nhân cùng tên chung một phòng lọc máu.
-
An toàn trong sử dụng thuốc:
Để tiến hành lọc máu cần có dịch lọc máu. Trên thế giới hiện nay có 3 phương pháp được lựa chọn đó là: Dịch lọc trung tâm (Dialysat); lọc máu bằng bột Bicarbonate được chứa trong cartridge và lọc máu bằng dịch lọc đậm đặc. Dịch lọc máu tiếp xúc với máu của người bệnh thông qua một màng bán thấm vì vậy dù là phương pháp nào, việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho cuộc lọc máu là bắt buộc.
Hiện nay đơn nguyên Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đang áp dụng phương pháp dịch lọc trung tâm. Dịch được pha tại phòng pha chế riêng, có 2 máy pha dịch riêng biêt cùng các phương tiện kiểm tra tỷ trọng và độ pH của dịch đậm đặc, sang chiết dịch, kiểm tra lương hóa chất tồn dư sau khi tiệt trùng dụng cụ.
Trong thận nhân tạo, các quy trình rửa quả lọc bằng máy và bằng tay, quy trình rửa máy thận nhân tạo, quy trình khử trùng màng R.O đều cần phải sử dụng các hóa chất như Acid ctric, dung dịch Hemoclean RP, dung dịch Javen. Các hóa chất này đều cần phải pha loãng ở một nồng độ nhất định đúng theo quy trình để đảm bảo hiệu quả và tránh gây độc cho người bệnh.
Trước khi pha dịch kiểm tra kỹ càng số lô sản xuất, tính toàn vẹn của túi bột pha dịch lọc máu theo đúng yêu cầu về số lượng cũng như chủng loại cho từng loại dịch cần pha, đảm bảo bột tan hoàn toàn.
Dịch đậm đặc được đựng riêng trong các can, có tem nhãn ghi tên, nồng độ dán bên ngoài, có ghi rõ ngày pha chế, thời gian lưu trữ (dịch A sử dụng trong 24h, dịch B sử dụng trong 72h).
Khi pha dịch có một nhân viên hoặc điều dưỡng chuyên trách có đủ năng lực, đã được đào tạo, hướng dẫn kỹ giám sát.
Không dùng chung hay chuyển bất cứ thứ gì từ máy trộn này qua máy trộn khác.
Can dịch chỉ được “tái sử dụng” sau mỗi lần rửa.
-
An toàn trong các kỹ thuật và phẫu thuật:
Khám sàng lọc để dự kiến các rủi ro, tai biến có thể xảy ra trong quá trình tiến hành kỹ thuật, phẫu thuật và đưa ra các phương pháp xử trí dự phòng. Đặc biệt lưu ý các trường hợp người bệnh là trẻ em, phụ nữ có thai (hiếm gặp) và người cao tuổi để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Kiểm tra, đối chiếu thông tin người bệnh, chỉ định lọc máu trước khi tiến hành lọc máu.
Trước khi màng lọc và dây dẫn máu được sử dụng trong điều trị thận nhântạo, cả hai phải được làm sạch khí bởi điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên.
Đuổi khí là quá trình loại bỏ khí từ màng lọc hoặc dây dẫn máu, thực hiệnđược khi có dòng chảy của dung dịch nước muối sinh lý trong lòng dây dẫn và màng lọc. Màng lọc và dây dẫn mới và tái sử dụng đều chứa đầy khí. Nếu không đuổi khí, số lượng khí vượt quá giới hạn sẽ làm đông màng lọc trong quá trìnhđiều trị làm ảnh hưởng xấu đến người bệnh. Mỗi lần đuổi khí, dung dịch nước muối sinh lý chảy vòng qua màng lọc và dây dẫn máu nhằm duy trì một dòng chảy liên tục và loại bỏ khí trong bầu lọc khí còn sót lại bên trong hệ thống.
Quá trình đuổi khí và tái tuần hoàn còn làm sạch màng lọc thông qua xảnước để loại bỏ mọi mảnh vụn và hoá chất còn tồn dư trước khi sử dụng.
Kiểm tra, đối chiếu thông tin người bệnh, xác định và đánh dấu vị trí phẫu thuật trước khi tiến hành các phẫu thuật nối thông hệ động tĩnh mạch.
Kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ thuốc và dụng cụ theo yêu cầu của từng loại phẫu thuật. Sử dụng bảng kiểm an toàn trong phẫu thuật, thủ thuật của WHO.
Các bước tiến hành kỹ thuât, phẫu thuật phải được thực hiện đúng theo quy trình được Bộ Y tế quy định và ban hành.
Người bệnh được theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, tri giác trong suốt thời gian tiến hành các kỹ thuật, phẫu thuật.
Sau khi hoàn thành các kỹ thuật, phẫu thuật bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại khoa hoặc hướng dẫn tự theo dõi tại nhà để phát hiện sớm các tai biến để kịp thời xử trí.
Nhân viên y tế theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân trong suốt cuộc lọc máu
-
An toàn trong nguồn nước:
Nước R.O (Reverse Osmosis) dùng trong thận nhân tạo là nước tinh khiết (cáctiêu chuẩn chất lượng R.O phải tuân theo tiêu chuẩn của AAMI). Sau khi được sản xuất ra, trước khi vào máy thận, nước R.O sẽ được đựng vào các bồn (thùng) chứa sau đó được đưa đến máy thận qua hệ thống đường ống (hệ thống cấp nước). Hệ thống cấp nước này phải định kỳ khử khuẩn và làm sạch, nếu không sẽ bị nhiễm bẩn bởi cặn, chất nhày sinh học (Biofilm).
Để đảm bảo chất lượng nước an toàn theo đúng tiêu chuẩn trước khi đưa vào hệ thống lọc cần kiểm soát nguồn nước chặt chẽ theo đúng quy trình, bệnh viện có kế hoạch kiểm tra chất lượng nước đầu vào, kiểm tra hệ thống lọc nước, màng bán thấm theo tuần, theo tháng, theo quý và có kế hoạch thay mới định kỳ 18 – 24 tháng/lần.
Đi cùng việc kiểm soát chất lượng nước là công tác đảm bảo vô trùng cho các bồn chứa nước RO. Các bồn chứa nước R.O sẽ được khử khuẩn định kỳ hàng tháng hoặc không định kỳ khi phát hiện nước R.O có bất thường
(VD: Vi khuẩn > 50CFU/ml hoặc Endotoxin > 0,125 EU/ml).
Bồn chứa nước được kiểm tra lượng hóa chất tồn dư sau mỗi lần thau rửa và trước khi được đấu lại vào hệ thống và chỉ được đi vào hoạt động khi tất cả các chỉ số đạt yêu cầu theo Bộ tiêu chuẩn chất lượng nước R.O được xây dựng dựa trên hướng dẫn và tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội vì sự tiến bộ của trang thiết bị y tế AAMI.
Kiểm tra định kỳ hệ thống lọc, màng bán thấm, các van, các đường ống cấp thoát nước, bồn chứa để phát hiện các sự cố như rò rỉ, vỡ để tránh nguồn nước bị ô nhiễm.
Công tác kiểm soát, kiểm tra chất lượng nước hàng ngày do kỹ sư phụ trách nước phụ trách và luôn có nhân viên giám sát để đảm bảo tính khách quan, trung thực.
-
An toàn trong kiểm soát nhiễm khuẩn:
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các tai biến y khoa, đặc biệt là trong chạy thận nhân tạo. Do đó cần chú trọng đảm bảo an toàn trong công tác chống nhiễm khuẩn để giảm thiếu đến mức tối đa các sự cố y khoa.
Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hiện nay bệnh viện đang áp dụng bao gồm:
+ Kiểm soát độ sạch không khí và độ sạch bề mặt bằng cách vệ sinh máy theo đúng quy trình sau trước và sau mỗi ca chạy thận, vệ sinh phòng lọc máu trước và sau mỗi ca chạy thận, hạn chế tối đa lượng vi sinh vật có hại, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.
+ Nhân viên y tế được hướng dẫn và đào tạo vệ sinh tay đúng cách, đúng quy trình theo 5 thời điểm và 6 bước rửa tay theo WHO. Trong mỗi phòng bệnh, tại các bồn rửa tay đều có dán hướng dẫn vệ sinh tay và các thời điểm rửa tay. Bệnh viện cũng có các buổi kiểm tra giám sát vệ sinh tay định kỳ và đột xuất để kiểm tra mức độ tuân thủ của nhân viên y tế.
+ Tuân thủ các yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các kỹ thuật như vệ sinh tay, đeo găng tay, khẩu trang, mặc áo bảo hộ…
+ Điều dưỡng trưởng khoa, nhân viên mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn phối hợp kiểm tra, giám sát phân loại, thu gom rác thải tại khoa theo đúng quy định.
+ Dự phòng nhiễm khuẩn trong các kỹ thuật, phẫu thuật.
Hiện nay để hạ giá thành lọc máu, quả lọc và dây máu sẽ được tái sử dụng, tối đa là 6 lần. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và đạt hiệu quả trong buổi lọc, quả lọc và dây máu được kiểm tra kỹ càng trước và sau khi tái sử dụng. Qủa lọc được kiểm tra ngày sử dụng, số lần sử dụng, tình trạng đông sợi lọc trước khi rửa để loại bỏ những quả lọc không còn đảm bảo an toàn. Các bước tiến hành rửa quả lọc và dây máu, kiểm tra hóa chất tồn dư tuân theo đúng quy trình do Bộ Y tế quy định. Qủa lọc đã rửa sạch được sử dụng ngay trong ngày, qua ngày đều phải sát trùng lại trước khi sử dụng cho người bệnh.
Tiến tới bệnh viện sẽ xây dựng, sắp xếp các khu vực lọc máu riêng biệt cho các bệnh nhân thường và các bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo.
Nhân viên y tế tuân thủ yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn trong kỹ thuật
-
Khuyến cáo với người bệnh
-
Người bệnh trước khi thực hiện các kỹ thuật, phẫu thuật đều được giải thích và hiểu rõ về tác dụng và các rủi ro có thể gặp phải của các kỹ thuật, phương pháp điều trị.
-
Khi đến khám hoặc tư vấn, người bệnh cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe như các bệnh đã và đang mắc phải, các loại thuốc hiện đang sử dụng, tiền sử dị ứng để bác sỹ đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp nhất.
-
Tổ chức các buổi hướng dẫn người bệnh, đặc biệt là những người bệnh điều trị ngoại trú cách nhận biết các tình trạng bất thường trong và sau quá trình lọc máu, cách xử trí cho từng tình trạng.
-
Người bệnh nhận biết được và thực hiện đúng theo hướng dẫn về cách nhận biết các tình trạng bất thường trong và sau quá trình lọc máu, biết cách xử trí.
-
Người bệnh biết vị trí đặt catheter, cách chăm sóc vết thương và các dấu hiệu bất thường đề phòng nhiễm khuẩn tiềm ẩn.
-
Người bệnh đến đúng hẹn theo lịch xét nghiệm định kỳ do bác sỹ chỉ định.
-
Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chế độ dinh dưỡng do bác sỹ chỉ định.
PHÒNG QLCL